Những nhóm đối tượng nào sẽ được hưởng gói miễn giảm thuế bởi COVID-19?

11:00 | 21/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ủy ban hường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết có hiệu lực ngay từ ngày 20/10.

Theo đó, về thuế thu nhập doanh nghiệp, những đơn vị gặp khó khăn do dịch có doanh thu chưa đạt 200 tỷ đồng và doanh thu giảm so với năm 2019 sẽ được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2021. 

Những doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất hoặc sáp nhập, chia tách trong kỳ tính thuế hai năm 2020, 2021 thì không áp dụng tiêu chí doanh thu giảm so với năm 2019, tức là không được hưởng mức hỗ trợ trên. 

Căn cứ vào mức doanh thu để nhận được mức hỗ trợ giảm thuế lần này. Ảnh minh họa

Nghị quyết cũng miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp trong hai quý 3 và 4/2021 cho hộ kinh doanh, cá nhân sản xuất tại các địa bàn chịu tác động của dịch . Danh sách các đối tượng được hưởng chính sách sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định. 

Lưu ý rằng các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số sẽ không được hưởng miễn, giảm thuế. 

Giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Loại hàng hóa thuộc các lĩnh vực: dịch vụ vận tải (đường sắt, đường thuỷ, hàng không, đường bộ); dịch vụ lưu trú, ăn uống; đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan quảng bá, tổ chức tour du lịch. Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, chương trình truyền hình, ghi âm, xuất bản âm nhạc; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí sẽ được hưởng miễn giảm thuế. 

Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm này không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Mức tính thuế giá trị tăng được giảm trừ phụ thuộc phương pháp tính thuế giá trị gia tăng. Tức là, nếu nộp theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng với hàng hóa, dịch vụ. Nếu nộp theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì được giảm 30% mức thuế này.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ việc miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. 

Theo tính toán của Chính phủ tại các tờ trình trước thì ước tính tổng gói hỗ trợ miễn, giảm thuế lần này khoảng 21.300 tỷ đồng. Tổng cộng các gói cứu trợ COVID từ tài khoá, tiền tệ từ năm 2020 đến nay khoảng 4% GDP. 

Năm 2022: Dùng ngân sách cho phòng chống dịch và phục hồi kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Phú Cường cho biết do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới phát triển, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.

Đồng thời, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động.

Đáng chú ý, Quốc hội cho biết căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi. Theo đó, nhất trí với phương án Chính phủ trình. Để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 27, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp. 

Đồng thời Chính phủ  điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách trong năm 2022 ở mức hợp lý đối với một số địa phương chịu tác động nặng nề do dịch bệnh để đảm bảo nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. 

 

Báo cáo từ Sở LĐTB&XH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí cho tiết tổng kinh phí hỗ trợ người lao động (NLĐ) người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 là gần 15,8 nghìn tỷ đồng; trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác) đã được thụ hưởng. Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỷ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) hỗ trợ trên 11,86 triệu đối tượng (chiếm 62,4% toàn quốc).