Hai lý do Fed có thể nhẹ tay tại cuộc họp tháng 3, chỉ tăng lãi suất thêm 25 bps

Khả Nhân 08:09 | 12/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại cuộc họp cuối tháng 3 này, Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất bởi tiền lương tại Mỹ đã có dấu hiệu chững lại và một ngân hàng lớn là Silicon Valley Bank vừa phá sản do ảnh hưởng từ chu kỳ thắt chặt chính sách của ngân hàng trung ương này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh:Tom Williams).

Áp lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc gia tăng tốc độ thắt chặt chính sách có thể đã giảm bớt vài phần sau hai sự kiện mới đây, tờ Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định.

Thứ nhất, dữ liệu việc làm mới công bố hôm 10/3 cho thấy tăng trưởng tiền lương tại Mỹ đã chững lại trong tháng 2, nhen nhóm hy vọng rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt khi thị trường lao động bình thường trở lại sau giai đoạn gián đoạn vì đại dịch.

Thứ hai là việc Silicon Valley Bank bị các cơ quan quản lý Mỹ buộc đóng cửa vào cùng ngày 10/3 bởi các lo ngại về khả năng thanh toán. Các quan chức Fed có thể sẽ cảnh giác việc về việc gây thêm căng thẳng cho ngành ngân hàng nếu tăng lãi suất mạnh hơn.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng công bố vào ngày 14/3 tới vẫn có thể thúc đẩy Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp ngày 21 - 22/3, thay vì mức khiêm tốn 25 bps. Nếu vậy, lãi suất tại Mỹ sẽ leo lên phạm vi 5 - 5,25%.

Chia sẻ với Reuters, ông Krishna Guha, Phó Chủ tịch của hãng phân tích Evercore ISI, cho hay: “Chúng tôi chưa chắn Fed sẽ nâng lãi suất 50 bps. Báo cáo lạm phát vào tuần tới có thể là yếu tố quyết định, bên cạnh việc áp lực đối với hệ thống ngân hàng có dịu đi nhanh chóng hay không”.

 

Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ mới công bố, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng lên mức 3,6% vào tháng 2 khi ngày càng có nhiều người tham gia vào lực lượng lao động hơn. Tăng trưởng thu nhập trung bình mỗi giờ chững lại từ mức 0,3% của tháng 1 xuống còn 0,2%.

Dù vậy, Mỹ đã tạo ra thêm 311.000 việc làm mới trong tháng 2, vượt dự báo của các chuyên gia. Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng chỉ tập trung ở một số ngành, ngay cả khi tiền lương giảm ở nhiều nhóm công việc.

Theo một số nhà kinh tế, đây là dấu hiệu cho thấy những nút thắt trên thị trường lao động sắp nới lỏng. Điều này có thể tạo tiền đề để tăng trưởng việc làm chậm lại, giảm bớt áp lực giá cả trong tương lai và giúp Fed không phải thực hiện các đợt tăng lãi suất quy mô lớn như năm ngoái.

Ông Omair Sharif của nền tảng Inflation Insights cho hay: “Báo cáo việc làm tháng 2 cho thấy khả năng Fed sẽ hạ cánh mềm nền kinh tế...Trong môi trường hiện tại, về cơ bản đây là điều mà Fed muốn thấy”.

 

Thị trường dự đoán rằng Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 25 bps tại cuộc họp tháng 3, qua đó đưa lãi suất lên phạm vi mục tiêu là 4,75 - 5%, thay vì mức tăng 50 bps.

Đầu tuần này, sau khi ông Powell nói với Quốc hội Mỹ rằng Fed sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất nếu “tất cả các dữ liệu” chỉ ra họ cần phải hành động mạnh tay hơn. Khi đó, khả năng tăng 50 bps lớn hơn so với bây giờ.

Dữ liệu việc làm và lạm phát nóng hơn dự kiến hồi tháng 1 đã khiến một số quan chức ngân hàng trung ương Mỹ nghĩ họ cần phải kéo lãi suất lên trên mức đỉnh 5,1% mà mình đề ra vào tháng 12 năm ngoái.

Đầu tuần này, các nhà đầu tư đoán mức đỉnh lãi suất tại Mỹ sẽ đạt gần 6%. Tuy nhiên, hiện giờ họ đưa ra phạm vi cao nhất là 5,25 - 5,5%, nhìn chung cũng cao hơn dự đoán hồi tháng 12 của Fed.

Một điểm cần lưu ý là dữ liệu tiền lương trong báo cáo việc làm thường không ổn định và một số nhà phân tích vẫn tin rằng lãi suất của Fed sẽ lên cao hơn trong những tháng tới, kể cả khi các nhà hoạch định chính sách chỉ tăng 25 bps tại từng cuộc họp.

Các nhà phân tích tại TD Securities nhận định: “Các xu hướng cơ bản trong tăng trưởng việc làm và lạm phát dịch vụ lõi suốt 6 tháng qua cho thấy rõ ràng rằng tiến trình của Fed đang bị đình trệ”. Giờ đây, họ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất chuẩn lên phạm vi 5,5 - 5,75% vào tháng 7.

 

Trong khi đó, vụ phá sản của Silicon Valley Bank có liên quan đến chiến dịch thắt chặt chính sách của Fed.

Khi thanh khoản chảy vào hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đầu của đại dịch, cùng với việc định giá của các công ty tăng trưởng và công ty công nghệ nhảy vọt, tiền gửi tại Silicon Valley Bank đã tăng mạnh.

Bảng cân đối kế toán của ngân hàng phình to gần gấp đôi trong năm 2021 và ban lãnh đạo quyết định đầu tư lượng tiền gửi dư thừa vào trái phiếu Kho bạc và các chứng khoán nợ do chính phủ Mỹ phát hành để tăng khả năng sinh lời.

Song, sau khi Fed tăng mạnh lãi suất và bắt đầu hút thanh khoản ra khỏi nền kinh tế để khống chế lạm phát, định giá của các công ty công nghệ sụt giảm, hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng chững lại và giá trái phiếu Kho bạc xuống thấp.

Để phục vụ cho nhu cầu đốt tiền của mình, các start-up đã đẩy mạnh việc rút tiền gửi ra khỏi Silicon Valley Bank. Ngân hàng buộc phải bán lỗ trái phiếu để kiếm tiền trả cho khách hàng.

Để bù lỗ, Silicon Valley Bank đã lên kế hoạch huy động 2,25 tỷ USD nhưng cuối cùng vẫn bất thành. Theo một số nguồn tin, ngân hàng đang tìm kiếm người mua để tự giải cứu chính mình.

Quy mô rút tiền tại Silicon Valley Bank đã được tiết lộ trong một lệnh của cơ quan quản lý tài chính bang California vào cùng ngày 10/3. Cơ quan này cho biết Silicon Valley Bank đã mất khả năng thanh toán và thanh khoản của ngân hàng là không đủ để duy trì hoạt động.

Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, Silicon Valley Bank đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008. Chưa đầy 18 tháng trước, ngân hàng này từng được định giá hơn 44 tỷ USD.

Vụ việc của Silicon Valley Bank, cùng với cú sụp đổ của Silvergate (một ngân hàng chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo) ngay trước đó đã làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng các đợt tăng lãi suất của Fed lên hệ thống ngân hàng. Do vậy, không loại trừ khả năng Fed sẽ “nương tay” trong cuộc họp tháng 3.