Hãng gọi xe công nghệ Trung Quốc Didi Global sắp hủy niêm yết ở New York?

Lê Thị Xuân Phương 14:30 | 10/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù Didi Global chưa thông báo chính thức với cổ đông về ngày rời sàn giao dịch chứng sán New York, một nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng Didi sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên NYSE vào ngày 10/6.

Didi Global sắp hủy niêm yết ở Mỹ?

Tờ Nikkei Asia đưa tin, Didi Global sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 10/6, kết thúc 11 tháng giao dịch đầy bất ổn trên thị trường chứng khoán lớn nhất hành tinh trong sự hoài nghi của nhà đầu tư.

Cụ thể, Nikkei Asia cho hay vào ngày 23/5, các cổ đông của Didi đã bỏ phiếu đa số nhất trí kế hoạch hủy niêm yết tại Mỹ. Đầu tháng trước, công ty có trụ sở Bắc Kinh cho biết có nguy cơ phải hủy niêm yết để kết thúc cuộc điều tra liên quan đến vi phạm an ninh mạng của các cơ quan chức năng trong nước, cũng như hoàn thành các biện pháp khắc phục.

Hồi tháng 6 năm ngoái, công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động được 4,4 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của Didi Global, viện dẫn rủi ro dữ liệu và bảo mật thông tin. Theo các nguồn tin, việc Didi Global IPO tại Mỹ thời điểm đó chưa nhận được sự chấp thuận từ chính quyền Trung Quốc vì những lo ngại an ninh dữ liệu. 

Cùng với Didi Global, hai công ty Trung Quốc khác niêm yết tại New York cùng thời điểm là Kanzhun và Full Truck Alliance, cũng bị “trục xuất” khỏi các cửa hàng ứng dụng và cấm khách hàng đăng ký mới từ mùa hè năm ngoái.

Một nguồn tin khác cũng cho hay các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu Didi Global nộp phạt, nhưng vẫn chưa quyết định về mức phạt. Trong khi đó, một giám đốc sản phẩm của Didi nói rằng các ứng dụng của công ty đã được sẵn sàng để khởi chạy lại sớm.

Didi Global trước đây chiếm thị phần lên tới khoảng 90% thị trường gọi xe công nghệ của Trung Quốc. Nhưng sau nhiều tháng lao đao, ứng dụng gọi xe hiện nay ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Năm 2021, khoản lỗ của Didi đã tăng gần gấp 5 lần lên 49,34 tỷ nhân dân tệ (7,38 tỷ USD) so với một năm trước đó, mặc dù doanh thu tăng 22,6% lên 173,83 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD). 

Các cổ đông lớn nhất của Didi là SoftBank Vision Fund (20% cổ phần), Uber Technologies (11,9% cổ phần), và Tencent Holdings (6,5% cổ phần).

Cổ phiếu Didi Global đã tăng 12,1% trong phiên giao dịch 8/8 trên sàn New York, chốt phiên ở mức 2,51 USD. Dù vậy mức giá này vẫn tụt mạnh so với thị giá tại thời điểm IPO hồi tháng 6/2021 là 14 USD mỗi cổ phiếu.

Khi úp mở ý định hủy niêm yết tại Mỹ vào tháng 12 năm ngoái, Didi Global cũng từng cho biết họ sẽ tìm cách niêm yết tại Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc một sàn giao dịch quốc tế lớn khác để các cổ đông NYSE có thể chuyển đổi số cổ phiếu nắm giữ của họ thành cổ phiếu mới. Công ty đã niêm yết biên lai lưu ký của Mỹ trên Sàn giao dịch Chứng khoán Mexico vào tháng 10 năm ngoái, nhưng giao dịch ở đó có thể bị ảnh hưởng bởi việc hủy niêm yết ở NYSE. Trong khi đó, áp lực từ Bắc Kinh đã khiến Didi không thể tham gia các thị trường khác cho đến nay.

Trung Quốc giảm dần áp lực với các công ty công nghệ

Alibaba Group Holding, một cổ đông khác của Didi, hồi năm ngoái đã phải nộp phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,72 tỷ USD), mức phạt cao nhất từ trước đến nay trong một cuộc điều tra chống độc quyền ở Trung Quốc sau khi các nhà chức trách nước này tăng cường áp lực giám sát đối với các công ty công nghệ.

Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chịu nhiều sức ép và mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2022 được dự báo gặp nhiều thách thức, các nhà chức trách đã có tín hiệu về việc nới lỏng áp lực đối với lĩnh vực công nghệ.

Chỉ số Công nghệ Hang Seng, một chỉ số chính theo dõi nhiều cổ phiếu công nghệ Trung Quốc giao dịch tại sàn Hồng Kông, đã tăng 17,8% kể từ ngày 24/5, trong khi Chỉ số Rồng Vàng Nasdaq, thước đo các công ty lớn của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đã tăng 34,5%.

Một thách thức khác là việc hàng chục công ty Trung Quốc hiện đang niêm yết ở Mỹ đã bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cảnh báo có nguy cơ buộc phải hủy niêm yết vào năm 2024, trừ khi các cơ quan quản lý Mỹ có thể truy cập đầy đủ vào hồ sơ kiểm toán của họ. Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối của chính quyền Trung Quốc.