Hàng không Tín Nghĩa Express giải thể sau hơn 1 năm thành lập

15:43 | 10/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng không Tín Nghĩa Express được thành lập vào tháng 8/2019. Dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch lấn sang mảng hàng không của hãng này không thuận lợi sau hơn 1 năm thành lập.
Theo Zing News Hàng không Tín Nghĩa Express thành lập vào tháng 8/2019 với vốn điều lệ ở mức 700 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không. Cơ cấu cổ đông của hãng bay này bao gồm TID góp 315 tỷ đồng (tương đương 45% vốn điều lệ), CTCP APF Đồng Nai góp 175 tỷ đồng (25%) , CTCP Logistics Tín Nghĩa - ICD Biên Hòa góp 105 tỷ (15%) và Công ty TNHH Lotus Vietnam Investment góp 35 tỷ đồng (5%).
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có cổ đông lớn cá nhân là bà Lê Anh Thiên Thư góp 70 tỷ đồng (10%). Bà Lê Anh Thiên Thư cũng là người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Hàng không Tín Nghĩa Express.Tại thời điểm 2019, TID cho biết ngoài tổng công ty thì các bên còn lại chưa thực hiện góp vốn. Dù vậy, Tín Nghĩa cũng chỉ mới góp gần 3,3 tỷ đồng, con số khá nhỏ so với tổng đăng ký góp vốn.
 
Hàng không Tín Nghĩa Express giải thể sau hơn 1 năm thành lập - ảnh 1
TID, doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn tại Đồng Nai, vừa thông qua chủ trương giải thể đơn vị thành viên là CTCP Hàng không Tín Nghĩa Express.

Theo tạp chí VnEconomy hoạt động chính của công ty là vận tải hàng hóa hàng không khi có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chưa đủ điều kiện kinh doanh hàng không thì Tổng công ty Tín Nghĩa đã chủ động giải thể doanh nghiệp này.
 
Giới chuyên môn nhận định bước đi này của Tín Nghĩa là hoàn toàn phù hợp với tình hình thị trường vận tải hàng không đang gặp khó do tác động của đại dịch COVID-19 mang lại. Nhiều hãng hàng không lớn trên thị trường đã báo cáo kinh doanh sa sút, thua lỗ, nếu có lãi là nhờ việc bán thanh lý tài sản, không hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh chính.
 
Trong khi đó, từ giữa năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lập hãng hàng không mới sau năm 2022 khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới đồng thời giao Bộ này chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
 
“Do tâm lý e ngại lây bệnh khi đi lại đường hàng không và khả năng hội họp trực tuyến mà không cần phải gặp mặt nhau nên nhu cầu hàng không giảm xuống đáng kể trong tương lai ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Do đó dự báo nhu cầu hàng không trên thế giới cũng như của Việt Nam trong vài năm nữa mới trở lại mức năm 2019 trước khi có đại dịch Covid-19 và mức tăng trưởng cũng thấp hơn trước”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng không khẳng định.
Nguyễn Triệu