Hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã đủ điều kiện vay vốn ưu đãi
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Tổ công tác liên ngành đã được thành lập với thành phần gồm đại diện Bộ Xây dựng, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội để làm việc với các địa phương.
Tổ công tác đã đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về công tác xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, nhất là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại tỉnh Bắc Ninh, TP HCM, Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Trị, Bình Dương, Đồng Nai…
Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc giải ngân hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Về kết quả giải ngân (2 gói hỗ trợ), Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của NHCSXH, việc giải ngân gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình đến nay đã giải ngân được 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng thuộc các đối tượng nói trên.
Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện. Quy mô 21 dự án này có 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tổng hợp danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (đợt 2).
Theo đó, có thêm 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ được UBND cấp tỉnh đề xuất (TP HCM, Bình Định) với quy mô 7.904 căn hộ, tổng mức đầu tư 9.646 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 4.345 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp và thông báo đến các Ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước bảo đảm đúng quy định.
Liên quan đến việc xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Bộ Xây dựng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Thực tế, từ đầu năm tới nay, nhà ở xã hội cũng là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của các chủ đầu tư lớn quan tâm với cam kết mạnh mẽ về nguồn cung. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội chuẩn bị được đầu tư hoặc mở bán. Nguồn cung dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới khi các đại gia lớn như Vinhomes, Novaland, Him Lam, Sun Group, Bitexco, Hưng Thịnh công bố sẽ triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn lên tới hàng triệu căn nhà ở xã hội.
với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, giới nghiên cứu thị trường dự báo nguồn cung nhà ở xã hội được dự báo tăng mạnh từ năm 2024. Đồng thời, về lâu dài, Việt Nam cần triển khai chương trình nhà ở quốc gia, đẩy nhanh việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội độc lập tương tự các nước phát triển.
Thêm vào đó, việc xây dựng hành lang pháp lý xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội phù hợp với đặc thù kinh tế từng khu vực, địa phương và vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, người mua tiếp cận với nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi cần được quan tâm xúc tiến.
Nhu cầu nhà ở xã hội tại vùng Đông Nam Bộ lớn nhất cả nước
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày tham luận về “Phát triển đô thị vùng Đông Nam Bộ”.
Trong đó, về chính sách phát triển nhà ở, công trình xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại vùng Đông Nam Bộ là lớn nhất cả nước. Do đó cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các tỉnh trong vùng.
Theo Bộ trưởng, cần quy định quy hoạch, bố trí theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó. Coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của các khu công nghiệp.
Điều này đòi hỏi các địa phương phải bố trí nguồn lực và triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Trưởng cho rằng, cần đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp;
Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội;
Thực hiện lồng ghép các mục tiêu và định hướng phát triển hệ thống công trình dịch vụ hạ tầng xã hội và nguồn lực thực hiện vào quá trình lập và phê duyệt chương trình phát triển đô thị;
Tiếp tục có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt về thuế đối với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế, các vùng công nghiệp lớn.