HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2025-2030 gồm những ai?
Thông tin từ Eximbank, cơ cấu HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 đề cử có hai thành viên độc lập nhằm đảm bảo yêu cầu mới của luật Các tổ chức tín dụng 2024, đảm bảo hoạt động của HĐQT độc lập, khách quan và minh bạch.
Danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ của Eximbank nhiệm kỳ này gồm 5 thành viên. Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Anh, hiện là Chủ tịch HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 và bà Đỗ Hà Phương - Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. Ba ứng viên mới được đề cử trong danh sách này là ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.

5 ứng viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh EIB.
Ông Phạm Tuấn Anh sinh năm 1976, là cử nhân kinh tế chuyên ngành kế toán và có 26 năm làm việc tại Tập đoàn GELEX (Mã: GEX). Ông từng là Kế toán trưởng GELEX, từng đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên trong hệ thống GELEX.
Hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh là Phó Tổng giám đốc CTCP Điện lực GELEX (GELEX Electric), Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM). Ông Phạm Tuấn Anh sẽ từ nhiệm tất cả các vị trí trong hệ thống GELEX trước thời ddiemr đại hội Eximbank tiến hành bầu thành viên HĐQT nhằm đảm bảo đúng yêu cầu không cùng đảm nhận các chức vụ theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2024.
GELEX hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Hai ứng viên HĐQT độc lập còn lại là ông Hoàng Thế Hưng (sinh năm 1981) và bà Phạm Thị Huyền Trang (sinh năm 1982).
Bà Phạm Thị Huyền Trang sinh năm 1982, có trình độ thạc sĩ tài chính ngân hàng, cao cấp lý luận chính trị. Bà từng có 12 năm công tác tại VietinBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại ngân hàng này như phó giám đốc chi nhánh TP Hà Nội, trưởng phòng phê duyệt tín dụng, phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng. Bà Trang cũng từng công tác tại Tập đoàn Sun Group và Tập đoàn Đèo Cả.
Ông Hoàng Thế Hưng là kỹ sư công nghệ thông tin với hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin & giải pháp số. Ông Hưng từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực. Ông Hưng đang là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt.
Bên cạnh danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ, Eximbank cũng công bố danh sách ứng viên Ban kiểm soát được NHNN chấp thuận với 5 thành viên gồm: bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu.
ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank sẽ diễn ra ngày 29/4, tại khách sạn Melia Hà Nội. Đại hội sẽ trình cổ đông nhiều nội dung quan trọng, đáng chú ý là mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2025 đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng (tương đương 23,8%) so với năm 2024.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ đã công bố, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng, tương đương tăng 23,8% so với thực hiện năm 2024. Cùng với đó, tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,8%; Huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195,500 tỷ đồng, tăng 16,2%; Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%.
Tại ngày 31/12/2024, cơ cấu tài sản của Eximbank tập trung chủ yếu ở miền Nam với 192.669 tỷ đồng. Trong khi đó ở miền Bắc đạt 35.328 tỷ đồng, miền Trung là 18.108 tỷ đồng. Tương ứng lợi nhuận trước thuế ở thị trường miền Nam đạt cao nhất với 3.320 tỷ đồng, miền Trung đạt 256 tỷ đồng trong khi đó miền Bắc là 611 triệu đồng.
Do đó, quyết định chuyển trụ sở ra Hà Nội của Eximbank được kỳ vọng giúp ngân hàng mở rộng tệp khách hàng lớn ở phía Bắc và miền Trung. Đây là nơi tập trung các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, doanh nghiệp FDI và hệ thống doanh nghiệp xuất nhập khẩu – vốn là phân khúc ưu tiên của Eximbank.