ĐHĐCĐ Eximbank: 3 lãnh đạo bị đề nghị miễn nhiệm nói gì?
Sáng nay (28/11), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 tại Hà Nội, với nhiều nội dung quan trọng như chuyển trụ sở, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng Giám đốc đã trình bày 4 nội dung: Báo cáo của HĐQT về kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2024; Tờ trình của HĐQT về thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank, Tờ trình của HĐQT về sửa đổi điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi trụ sở chính và Tờ trình của HĐQT về chấm dứt đầu tư Trụ sở chính tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.
Sau đó, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc, đã trình bày Tờ trình của HĐQT về xử lý kiến nghị nhóm cổ đông và Báo cáo của HĐQT về xử lý kiến nghị nhóm cổ đông.
Sau khi tổng hợp kết quả biểu quyết, ĐHĐCĐ Eximbank đã thông qua tờ trình về việc thay đổi địa điểm Trụ sở chính với 1.016 triệu cp, tương ứng 58,73% cổ đông tán thành; 713 triệu cp phiếu hay 41,23% phản đối.
Tuy nhiên, hai tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi địa điểm đặt Trụ sở chính và chấm dứt chủ trương đầu tư Trụ sở chính Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm đã không được thông qua. Tỷ lệ tán thành của cả hai tờ trình đều là 58,73% và phản đối là 41,23%.
Do là vấn đề quan trọng, hai nội dung này cần được số cổ đông đại diện trên 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận để được thông qua. Những tờ trình còn lại chỉ cần trên 51% tổng số tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận để được thông qua
Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 40,74% (tương ứng 705 triệu cp). Ngoài ra, có 5,36% cổ đông (tương ứng 93 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến.
Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 41,23% (tương ứng 713 triệu cp). Ngoài ra, có 4,87% cổ đông (tương ứng 84 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến.
Do chỉ cần trên 51% cổ đông chấp thuận, tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony và thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú đã được thông qua.
Loạt lãnh đạo bị miễn nhiệm lên tiếng
Ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú được một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% đề nghị miễn nhiệm do không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Nam cho biết bản thân đã đầu tư vào Ngân hàng Eximbank trong 8 năm qua. Việc nhận được đề nghị bãi nhiệm do không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT (36/38 cuộc họp) chỉ vài ngày trước đại hội khiến ông Nam hoàn toàn bất ngờ.
“Sau đó tôi đã giải trình rất rõ với HĐQT, 2 cuộc họp tổ chức ít hơn 5 ngày so với quy định, tôi ra nước ngoài nên không thể tham dự và đã ủy quyền chị Tú (bà Lương Thị Cẩm Tú - PV) biểu quyết. Việc lấy lý do tôi tham dự không đủ các cuộc họp là rất khiên cưỡng,” ông Nguyễn Hồ Nam chia sẻ với cổ đông tại đại hội.
Về tờ trình miễn nhiệm bản thân khỏi HĐQT Eximbank, Phó Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú cho biết xét theo Luật các tổ chức tín dụng và Điều lệ ngân hàng, bà không thuộc vào diện bị xem xét miễn nhiệm.
“Khi tôi vắng mặt do công tác nước ngoài, tôi đã báo cáo cho HĐQT và ủy quyền lại cho người giúp tôi điều hành ngân hàng. Khi đi nước ngoài, sóng điện thoại không ổn định nên có thể tôi đã để lỡ một số cuộc họp, nhưng tôi vẫn tham gia thường xuyên với tỷ lệ hơn 90%,” bà Cẩm Tú chia sẻ.
Bà Tú cho biết, bản thân mình là cổ đông sở hữu trên 1%, đại diện cho nhóm cổ đông trên 10%, gắn bó với Eximbank từ năm 2018. Bản thân bà cũng đã có những đóng góp nhất định trong quá trình phát triển của ngân hàng theo đúng định hướng của một ngân hàng bán lẻ.
Khác với ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Ngo Tony được nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ Eximbank đề nghị miễn nhiệm do đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Ngân hàng Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông.
Chia sẻ với cổ đông, ông Ngo Tony cho biết: “Tính đến ngày hôm nay, tôi đã làm việc tại Ngân hàng Eximbank được gần 1.000 ngày. Với tư cách Trưởng Ban kiểm soát, tôi đã cùng các thành viên Ban kiểm soát đã làm việc và đưa ra và phát hiện 2.203 rủi ro, trong đó có 1.446 rủi ro cao và rất cao, chiếm 66%. Khi phát hiện thì chúng tôi đã đưa ra kiến nghị để giúp Eximbank tiết kiệm và bảo vệ hàng ngàn tỷ đồng".
Tuy nhiên trong thời gian giám sát 10 tháng đầu năm 2024, ông Ngo Tony nhận thấy bên cạnh những thành quả Eximbank đạt được, ngân hàng cũng phải đối mặt với các vấn đề lớn như chất lượng tài sản giảm xuống; vấn đề về cấp tín dụng mới chúng ta có một số việc cần phải làm, đặc biệt với việc chất lượng tài sản giảm, thể hiện qua các chỉ số nợ xấu, nợ quá hạn và nợ có khả năng mất vốn.
Vấn đề này ông Ngo Tony đã nhiều lần đề cập tại các cuộc họp với Ban điều hành, cũng như các thành viên HĐQT, tuy nhiên vẫn chưa có các hành động mang tính nghiêm túc để chỉnh sửa các vấn đề cần phải khắc phục. Do đó ông Ngo Tony đã có thư gửi các cơ quan chức năng, xác minh các dấu hiệu rủi ro để ngân hàng hoạt động một cách hiệu quả.
“Tôi bất ngờ khi nhận được đề nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần miễn nhiệm mình. Tôi muốn hỏi là căn cứ nào để xác minh tôi lạm dụng chức quyền, gây ảnh hưởng nặng nề lên ngân hàng,” ông Ngo Tony nói với các cổ đông tại đại hội.
Về việc đưa tờ trình miễn nhiệm 3 lãnh đạo cấp cao vào chương trình họp ĐHĐCĐ bất thường, Chủ tịch HĐQT Eximbank Nguyễn Cảnh Anh cho biết, căn cứ quy chế nội bộ Eximbank, cổ đông trên 5% có quyền đưa kiến nghị vào chương trình họp trước 3 ngày làm việc. Theo quy định, người triệu tập họp là HĐQT, chỉ được từ chối khi vấn đề kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Cảnh Anh, các kiến nghị đều được lập thành văn bản, gửi trước ít nhất 3 ngày so với ngày khai mạc ĐHĐCĐ. Ngân hàng đã xác minh tư cách cổ đông tại ngày có đơn kiến nghị. Vấn đề cổ đông đưa ra là miễn nhiệm thành viên BKS hoặc HĐQT thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ, do đó HĐQT đưa nội dung vào chương trình họp bất thường.
Việc lấy ý kiến bằng văn bản đã tuân thủ đúng nghị quyết HĐQT, đã thực hiện công bố thông tin đầy đủ. Việc thông qua nghị quyết HĐQT chỉ là chấp thuận đưa nội dung vào chương trình họp chứ không làm mất tư cách HĐQT hay BKS của các thành viên.