Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ
“EU là khu vực có tiềm năng về lâm sản rất mạnh, với 500 triệu ha rừng và một năm khai thác 400-500 triệu mét khối gỗ. Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, chúng ta sẽ mua gỗ của các nước trong nội khối EU. Gỗ EU có chất lượng tốt nhất và có tính pháp lý rất cao. Họ bảo vệ môi trường rất tốt. EU có trình độ phát triển công nghệ chế biến gỗ tiên tiến bậc nhất hiện nay. Trước đây chúng ta thường mua của Đài Loan (Trung Quốc), nhưng với giá gỗ từ EU được giảm 15-20%, chúng ta sẽ mua được gỗ của EU với chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn, giá cạnh tranh hơn”, ông Quyền khẳng định.
Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, EU là những quốc gia trình độ quản trị rất cao, kỹ năng lao động chuyên nghiệp, Việt Nam sẽ học hỏi được điều này. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến tới tiếp cận được công nghệ và cách quản trị hiện đại này.
Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ Việt cũng gặp phải những thách thức không phải là nhỏ. Trước hết là nội lực của doanh nghiệp trong Hiệp hội Gỗ và Lâm sản. Muốn hiện thực hóa cơ hội từ Hiệp định, các doanh nghiệp buộc phải vươn lên. Điều này đòi hỏi doanh nghiệpphải học, phải có thời gian và kinh phí. Học từ kỹ năng lao động, công nghệ thiết bị mới, đặc biệt là trình độ quản trị doanh nghiệp.
“Mọi người hay nói đến cái lớn lao là thay đổi thể chế, nhưng trước hết, theo tôi, phải thay đổi được trình độ quản trị kinh doanh của doanh nghiệp để có kỹ năng, công nghệ tốt, trình độ quản trị và trách nhiệm xã hội cao hơn”, ông Quyền nói.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức năng giao cho Hiệp hội một cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp để cùng đào tạo: “Nhà nước giúp chúng tôi giáo viên, chúng tôi có cơ sở thiết bị để đào tạo tại chỗ. Làm sao để hướng dẫn cho doanh nghiệp những kiến thức cơ bản và cụ thể, hỗ trợ cho họ về mặt nào cần thiết. Quan trọng nhất, đối với ngành gỗ, mua được nguyên liệu là quan trọng số 1, chúng tôi không chỉ nhập từ EU mà trong nước cũng phải có nguyên liệu. Trong nước phải xây dựng các chứng chỉ chất lượng từ Hội đồng quản trị rừng quốc tế (FSC), có giấy phép xuất khẩu gỗ hợp pháp”.
Nói về những việc làm cần thiết, nhanh và ngay của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản nói chung và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ Việt nói riêng để đón nhận cơ hội từ EVFTA, ông Quyền đưa ra 3 yêu cầu.
Thứ nhất, Hiệp hội phải nâng cao nhận thức trong đội ngũ doanh nhân am hiểu Hiệp định, từ đó, tận dụng những cơ hội từ Hiệp định thế nào.
Thứ hai, Hiệp hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần thúc đẩy mở rộng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng. Doanh nghiệp cần bỏ kinh phí giúp người trồng rừng xây dựng được chứng nhận FSC; giúp họ đầu tư những cánh rừng lớn hơn. Hai năm qua Hiệp hội đã làm việc này rất hiệu quả.
Thứ ba, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp vay để đầu tư vào công nghệ mới, đào tạo công nhân kỹ thuật.