Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6,7% trong năm nay, là trung tâm sản xuất điện tử và dệt may của thế giới
Tại báo cáo kinh tế vĩ mô mới cập nhật với tựa đề “Việt Nam - đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý II”, ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 trong bối cảnh các chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng.
Theo Standard Chartered, quá trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam có thể sẽ tăng tốc vào cuối quý II nhờ động lực mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, đặc biệt là nhu cầu nội địa và lĩnh vực du lịch.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam từ Standard Chartered cho rằng việc Việt Nam mở cửa du lịch, dỡ bỏ các quy định cách ly y tế cho du khách quốc tế nhập cảnh vào trong nước từ 15/3 sẽ là yếu tố cần được quan sát và đánh giá trong quý II tới, do trước đại dịch, du lịch đóng góp tới 10% trong tăng trưởng GDP của đất nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, Standard Chartered kỳ vọng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam tiếp tục tăng lên trong năm nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp quan trọng như sản xuất, cung ứng điện, xăng dầu, thiết bị điều hòa không khí.
“Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng”, ông Tim Leelahaphan cho hay.
Vị chuyên gia từ Standard Chartered đồng thời kỳ vọng Việt Nam “tiếp tục là một trung tâm sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày”, đồng thời vẫn duy trì vai trò như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu bất chấp các diễn biến địa chính trị thế giới và tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, Standard Chartered cảnh báo Việt Nam vẫn sẽ có nguy cơ đối mặt với những rủi ro trong ngắn hạn như tốc độ phục hồi của ngành du lịch hay diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới.
Nhận định về lạm phát, các chuyên gia Standard Chartered duy trì dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam ở mức 4,2% trong năm 2022 và 5,5% trong năm 2023. Theo Standard Chartered, rủi ro lạm phát gia tăng đến từ sức ép nguồn cung, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị thế giới làm kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về tỷ giá, Standard Chartered cũng duy trì đánh giá tích cực đối với đồng Việt Nam (VND) nhờ kỳ vọng cán cân thanh toán mạnh mẽ. Việt Nam được dự báo có thể sẽ tiếp tục đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay khi lĩnh vực du lịch phục hồi, mặc dù giá cả hàng hóa tăng cao. Các chuyên gia ngân hàng này dự báo tỷ giá USD/ VND ở mức 22.300 VND đổi 1 USD vào cuối năm 2022 và 22.000 đồng đổi 1 USD vào cuối năm 2023.
Đầu tháng này, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 xuống 5,3% ở kịch bản cơ bản từ mức dự báo 6,5% hồi tháng 10/2021. Trong kịch bản xấu hơn, tăng trưởng GDP thậm chí được dự báo có nguy cơ chỉ đạt 4,4%.
World Bank nhận định với trị giá nhập khẩu dầu lên tới 3% GDP, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu tác động đáng kể khi giá dầu thô thế giới tăng nhanh. Đồng thời, giá nguyên vật liệu thế giới bao gồm sắt, thép.. tăng mạnh cũng gây tác động đến nhập khẩu lạm phát, làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp do đặc thù của một nền kinh tế có độ mở cao.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Nhóm chuyên gia ADB kỳ vọng sự trở lại của thị trường lao động cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá 350 nghìn tỷ và các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng khác có thể thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành kinh tế. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 cao cùng với việc thúc đẩy thương mại sẽ mở ra cơ hội sáng cho kinh tế Việt Nam.