Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra hai kịch bản xuất khẩu năm 2023
Cụ thể, với kịch bản tích cực, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 47-48 tỷ USD; kịch bản kém tích cực hơn kim ngạch xuất khẩu đạt 45-46 tỷ USD.
Tại hội nghị, ngoài dự báo thách thức của ngành, VITAS cùng chuyên gia, doanh nghiệp đã bàn giải pháp đêr đạt mục tiêu năm 2023 và hướng đến phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, thách thức ngành dệt may trong những năm tới có thể kể đến là nhu cầu một số thị trường như Mỹ, EU... đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng cao. Trong khi đó, các nhà bán lẻ, thương hiệu đang trì hoãn đơn hàng, cùng sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể và ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp dệt may.
Về chuỗi cung ứng, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc tác động lớn đến doanh nghiệp dệt may khi ngành may mặc Việt Nam đang nhập khẩu hơn 50% vải và nguyên liệu từ thị trường này. Chiến sự Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, khiến giá nguyên liệu và chi phí vận tảng liên tục tăng.
Đáng chý ý, Quy tắc xuất xứ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) áp dụng từ khâu sợi trở đi và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) áp dụng từ khâu vải trở đi là những khâu yếu thế của doanh nghiệp Việt Nam. Thêm vào đó, tình hình lao động không ổn định và quy định trách nhiệm xã hội với người lao động, môi trường ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho hay, dự thảo "Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035" được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và đang trình Chính phủ phê duyệt để tiếp tục tận dụng cơ hội phát triển trong những năm tới. Trong dự thảo này, cũng đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may bình quân sẽ tăng từ 5%-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030 và từ 2%-3% giai đoạn từ 2031 đến 2035.
Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2031-2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, ngành hướng đến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ dự đoán năm 2023, mỗi nhãn hàng, nhà bán lẻ toàn cầu sẽ yêu cầu sản phẩm làm từ bông nhập khẩu vào Mỹ, EU của họ bền vững và thuộc chuỗi cung ứng minh bạch được xác minh là không có lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, vào năm 2025, một tỷ lệ lớn sản phẩm từ bông của nhãn hàng, nhà bán lẻ toàn cầu sẽ có cùng yêu cầu này.
Hiện tại, Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc cấm những sản phẩm làm từ lao động cưỡng bức, còn các quốc gia khác cũng đang có động thái tương tự; đồng thời, xu hướng này được kỳ vọng ngày càng nhiều quốc gia thực hiện trong tương lai.
Trước bối cảnh này, theo ông Võ Mạnh Hùng, doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp nên lưu lại chứng từ của tất cả giao dịch và sẵn sàng chia sẻ khi được yêu cầu. Song song đó, các đơn vị xuất nhập khẩu nên đảm bảo sự minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng; xác minh nguồn gốc của nguyên liệu rủi ro cao...
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng chỉ ra rằng, giải pháp đối với doanh nghiệp dệt may là cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, chuỗi cung ứng... Bên cạnh đó, ngành dệt may đồng hành cùng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, tiếp cận những chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển, đa dạng hóa thị trường, đối tác, nguồn vốn.
Để thích ứng với xu hướng thị trường mới và nắm bắt cơ hội trong thời gian tới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho hay, dệt may Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp cho thấy hiệu quả đón đầu xu hướng mới trên thị trường tiêu dùng toàn cầu.