Hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để minh bạch thị trường
Phát biểu tại Toạ đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings đã có những chia sẻ liên quan đến Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp hiện nay.
Nói về sự cần thiết của xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, ông Phùng Xuân Minh khẳng định mục tiêu cuối cùng là thị trường phải minh bạch thông tin, mà tổ chức xếp hạng tín nhiệm là đơn vị góp phần làm được điều đó.
Kinh nghiệm cho thấy nhiều nước đã áp dụng xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp để minh bạch thị trường. Theo ông Minh, việc minh bạch thông tin sẽ mang lại 4 lợi ích.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, sẽ thuận lợi hơn trong quản lý, quản lý chặt chẽ hiệu quả theo đúng định hướng. Đối với doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước có thông tin đáng tin cậy, đầy đủ, kịp thời để tham khảo đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp nào nếu có nhu cầu. Với nội tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý nội bộ, tạo nên một doanh nghiệp tốt, một khả năng huy động tốt. Và với các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, tạo cầu cho xã hội, quy đổi vốn thành công trên thị trường.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc tổ chức triển khai xếp hạng có mất nhiều thời gian, ông Phùng Xuân Minh lý giải: Theo thông lệ thế giới, việc xếp hạng tín nhiệm mất từ 4-6 tuần, đặc biệt các tổ chức lớn có thể kéo dài 8-12 tuần, nếu doanh nghiệp đa ngành nghề, cấu trúc doanh nghiệp phức tạp thì thời gian cần nhiều hơn.
"Nếu các doanh nghiệp muốn trong 3-4 tuần, chúng tôi sẵn sàng sắp xếp nguồn lực để thực hiện hiệu quả", Chủ tịch Saigon Ratings nhấn mạnh. "Chúng tôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ tài liệu đầy đủ, thì thời gian triển khai sẽ đảm bảo. Nếu càng có nhiều thông tin, hồ sơ đầy đủ, có cơ sở đưa ra xếp hạng khách quan nhất, tính chính xác cao nhất có thể. Phần lớn doanh nghiệp chúng ta rất nhiều sổ sách, khiếm khuyết trong hồ sơ đầu vào, khuyến cáo trước khi xếp hạng tín nhiệm, dành thời gian để tổ chức xếp hạng tin nhiệm tư vấn về hồ sơ thủ tục".
Thực trạng xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam còn nhiều khó khăn
Ông Phùng Xuân Minh chia sẻ, sau đại dịch COVID-19, Saigon Ratings đã có những khảo sát, đánh giá thị trường cũng như sức khỏe doanh nghiệp. Kết quả cho thấy doanh nghiệp nói chung bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là vấn đề dòng vốn. Giải quyết nguồn vốn trung và dài hạn là một trong những vấn đề quan trọng của các nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp hiện nay.
Cũng theo ông Minh, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là cần thiết, phục vụ cho đa mục đích, giúp doanh nghiệp tiếp cận đa dạng hóa nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn đầu tư, chủ động trong cân đối nguồn lực. Hiện nay nguồn vốn cho doanh nghiệp chủ yếu từ kênh ngân hàng, thị trường trái phiếu mới phát triển mạnh 3 năm trở lại đây nhưng thiếu bền vững.
"Chúng tôi kỳ vọng sắp tới có định hướng, chính sách cụ thể rõ ràng. Đặc biệt là ngân hàng tạo hành lang pháp lý thông thoáng, năng động có tính cạnh tranh để phù hợp xu hướng hội nhập toàn cầu. Rõ ràng khi có khung khổ minh bạch, doanh nghiệp cứ thế chạy trên con đường cao tốc", Chủ tịch Saigon Ratings kỳ vọng. Trong quá trình đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ đóng vai trò giải quyết bài toán bất đối xứng thông tin trên thị trường.
Với khung phương pháp xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Credit Rating Agency - CRA) sẽ hỗ trợ thông tin cho các nhà đầu tư trên thị trường trước hai loại rủi ro tín dụng rất quan trọng của các tổ chức phát hành (và/hoặc trái phiếu).
Thứ nhất là rủi ro vỡ nợ, được đo lường bằng cách đánh giá được các yếu tố rủi ro cơ bản và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp.
Thứ hai là triển vọng phục hồi, cung cấp thông tin đánh giá về giá trị tiền mà các tổ chức phát hành, có thể sẽ bù đắp được cho các trái chủ, trong trường hợp doanh nghiệp gặp các rủi ro vỡ nợ và được xác định bằng cách đánh giá đặc điểm có tính chất chuyên biệt của từng đối tượng phát hành công cụ nợ và cấu trúc nợ và định giá tài sản thế chấp.
Khi kết hợp đánh giá rủi ro vỡ nợ và triển vọng phục hồi, các tổ chức CRA sẽ cung cấp một số thông tin rất cần thiết và quan trọng cho các nhà đầu tư trên thị trường hiểu rõ các nguy cơ tiềm tàng mất mát nguồn vốn đầu tư cho từng đối tượng nhà phát hành cụ thể hoặc là công cụ nợ (trái phiếu).
Cũng theo ông Minh, thực tế lịch sử phát triển thị trường trái phiếu quốc tế và ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng đều có thể phát hành và chào bán trái phiếu trên thị trường thành công; mà chỉ các tổ chức phát hành và trái phiếu đã được Xếp hạng tín nhiệm, với chất lượng tín nhiệm tương đối tốt. Thực tế, nhà đầu tư khi thẩm định, quyết định mua trái phiếu của các tổ chức phát hành, thường không có điều kiện tiếp cận để nghiên cứu hồ sơ doanh nghiệp hoặc không quan tâm đến các loại hình tài sản đảm bảo... mà chỉ chú trọng tham khảo các báo cáo đánh giá Xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức CRA.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, ông Minh nhận định thực trạng xếp hạng tín nhiệm trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, tồn tại.
Theo đó, chỉ mới có 1 số ngân hàng thương mại, tổ chức bảo hiểm và doanh nghiệp lớn đã được các tổ chức CRA quốc tế đánh giá Xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, khi các tổ chức CRA quốc tế đánh giá Xếp hạng hệ thống doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng giới hạn trực tiếp từ chất lượng tín nhiệm quốc gia Việt Nam hiện có (trần giới hạn tín nhiệm quốc gia là BB+). Vì vậy, phần lớn các tổ chức tài chính, doanh nghiệp Việt Nam đều chỉ đạt được mức Xếp hạng từ mức BB+ trở xuống, tức là thuộc danh mục nhóm đầu cơ (rất hiếm khi có tổ chức phát hành nào đạt mức Xếp hạng cao hơn bậc Xếp hạng quốc gia).
Nhưng các CRA nội địa, với quy trình và phương pháp đánh giá phù hợp sẽ sử dụng thang (bậc) so sách chất lượng Xếp hạng của hệ thống doanh nghiệp trong nước mà thôi, với các mức từ AAA, BBB cho đến bậc D.
Xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm cho hệ thống doanh nghiệp
Bàn về việc nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, cũng tại tọa đàm "Phát triển nguồn vốn cho bất động sản", ông Phùng Xuân Minh nêu ra 5 giải pháp.
Thứ nhất, thông tin giao dịch thị trường phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, tăng tính công khai minh bạch và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.
Thứ hai, các tổ chức phát hành trái phiếu cần phải được quy định bắt buộc Xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở đó, có thể phân định rõ chất lượng tín nhiệm của từng loại hình tổ chức phát hành và các trái phiếu, theo chuẩn mực và tiêu chí đánh giá ở các mức đầu tư hay là đầu cơ để các nhà đầu tư trên thị trường tham khảo, quyết định đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro đầu tư.
Thứ ba, từng bước tạo lập và hình thành tập quán văn hóa Xếp hạng tín nhiệm của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp với các khuyến nghị của các tổ chức định chế tài chính quốc tế có uy tín như Ngân hàng thế giới (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); đồng thời phù hợp với thông lệ quản lý và kinh nghiệm phát triển thị trường ở các quốc gia tiên tiến.
Thứ tư, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đối với các hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần phải được quản lý thành thị trường giao dịch có tổ chức.
Đồng thời, phải phát triển thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản cho việc giao dịch chuyển đổi trái phiếu. Bộ Tài chính đang thực hiện các chính sách thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung.
Thứ năm, Nhà nước khuyến khích và tiến tới có các chính sách quy định bắt buộc các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán, theo chuẩn mực của quốc tế (IFRS).