Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Không thể chậm trễ, cũng không quá cầu toàn
Phát biểu tại Tọa đàm do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn) và Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định doanh nghiệp bất động sản Việt Nam giống doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc là đều đối diện với tình trạng có phân khúc dư cung, có phân khúc lại thiếu cung, không có hàng để bán nên dòng tiền bị âm... Nhưng một vấn đề đáng chú ý của doanh nghiệp bất động sản trong nước là dòng vốn cho lĩnh vực này hiện đang đối diện với rủi ro đình trệ, đặc biệt là dòng vốn từ kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Nhận định phát hành TPDN là kênh huy động vốn quan trọng trong trung và dài hạn của nền kinh tế, TS. Nghĩa cho rằng một trong những giải pháp quan trọng để khơi thông kênh này là phải hạ quyết tâm từ nay đến cuối năm nhanh chóng ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Đừng kỳ vọng một phiên bản hoàn hảo
Nói về những kỳ vọng liên quan đến Nghị định 153 sửa đổi, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng muốn thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh thì các nhà làm luật phải hiểu rằng trái phiếu phát hành ra công chúng là quan trọng nhất, và chỉ khi đó thì xếp hạng tín nhiệm mới có ý nghĩa. Nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường không thể minh bạch hơn được và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa.
“Với hình thức phát hành riêng lẻ thì nếu lỗ nhà đầu tư phải chịu, không thể trách ai được. Vậy nên điều tôi kỳ vọng nhất là quy định mới phải làm thế nào hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng”.
Theo ông Nghĩa, muốn thúc đẩy phát hành ra công chúng thì có hai việc phải làm. Một là có quy định hành chính về việc đối tượng nào, doanh nghiệp nào được phát hành riêng lẻ, thay vì hiện tại chúng ta đang quy định ai mới là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Quy định như vậy sẽ đẩy chúng ta vào thế bị động: ông nào bỏ ra nhiều tiền để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hai là thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng phải thật nhanh gọn và minh bạch. Hiện người ta nộp hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng có khi mất 3 tháng, thậm chí 6 tháng hoặc có khi cả năm cũng không được trả lời. Điều đó rất phi lý. Người ta cần vốn vào những lúc quan trọng nhất, nhờ cả công ty tư vấn, kiểm toán vào cuộc nhưng khi trình lên thì không thấy hồi âm”, TS. Lê Xuân Nghĩa lý giải.
Theo TS. Nghĩa, việc sửa đổi Nghị định 153 chưa nên cầu toàn vào lúc này. “Thời điểm từ nay đến cuối năm chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ, mà đây là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ gây đổ bể lớn cho hệ thống tài chính. Phải áp dụng kết hợp các biện pháp, chẳng hạn như có một tuyên bố chính thức nào đó. Nếu không có thông điệp nào rõ ràng thì vô cùng nguy hiểm”.
“Tại tọa đàm này, tôi muốn chính thức đưa ra một thông điệp: đề nghị các cơ quan chức năng tính đến những phương án xấu nhất có thể xảy ra, phải quản trị rủi ro và tìm phương án xử lý thế nào cho hiệu quả. Chúng ta đang có rất nhiều thông tin tốt, và nếu không chuẩn bị phương án thì những tin tốt đó có thể trở thành vô nghĩa”, ông Nghĩa nói thêm.
Tương tự TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - cũng cho rằng không nên quá kỳ vọng sửa đổi Nghị định 153 sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề còn tồn tại trên thị trường trái phiếu. “Chính tôi đã tham vấn Bộ Tài chính rằng đợt sửa đổi này không thể quá cầu toàn, coi đó như phiên bản hoàn hảo để sau này cứ thế mà làm, vì chúng ta là đất nước đang phát triển, còn nhiều vấn đề bề bộn phải giải quyết, thị trường trái phiếu cũng là như vậy”.
Cùng đó, TS. Cấn Văn Lực đồng tình rằng nếu muốn lành mạnh hóa kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ thì kênh phát hành trái phiếu ra công chúng phải mở rộng hơn, thông thoáng hơn, dễ dàng nhanh gọn hơn. “Tôi hiểu rằng Bộ Tài chính cũng rất đồng tình với cách tiếp cận như vậy. Bởi vì cánh cửa bên này ta muốn làm chặt thì cánh cửa bên kia phải mở rộng ra. Đó là hai cánh cửa liên thông nhau, ta phải thận trọng”, TS. Lực nói.
Về phía nhà đầu tư, ông Lực cho rằng các quy định cần phải chuyên nghiệp hơn, tiêu chí phải cao hơn, chủ thể phát hành phải minh bạch hơn, có đối tượng xếp hạng tín nhiệm có đối tượng không, các đơn vị trung gian cũng phải được chuẩn hóa. Thị trường thứ cấp phải công khai minh bạch hơn.
“Cuối cùng, sửa Nghị định 153 chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, tốt hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhưng song song với đó phải sửa Nghị định 156 liên quan đến chế tài để xử phạt những trường hợp vi phạm. Bộ Tài chính cũng đang muốn rà soát tiếp Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, những Luật này đều liên quan đến nhau”, ông Lực nói thêm.
Doanh nghiệp làm gì nếu có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu?
Trường hợp doanh nghiệp đến thời điểm đáo hạn và không trả được nợ trái phiếu, TS. Nghĩa nêu quan điểm rằng cơ quan quản lý cần cân nhắc, tránh hình sự hoá gây ảnh hưởng lớn tới thị trường và cả tâm lý nhà đầu tư. “Đơn cử như vụ việc của Tân Hoàng Minh. Có tài sản cần bán để trả nợ phải qua Bộ Công an, nhà đầu tư muốn nhận tiền cũng phải phải qua Bộ Công an khiến vụ việc rất phức tạp. Do đó, cơ quan chức năng khi quản lý trái phiếu thì cần có phương án xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp có thể vỡ nợ trái phiếu”, vị chuyên gia kinh tế cho hay.
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp cần làm gì nếu tự thấy mình có khả năng vỡ nợ trái phiếu, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đưa ra một số khuyến nghị đáng chú ý.
Một là, doanh nghiệp có thể mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tình hình tài chính. Thậm chí trong trường hợp có khả năng, doanh nghiệp có thể mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn dù phải chấp nhận lãi suất cao. Vượt qua được vấn đề này, doanh nghiệp mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường.
Thứ hai, TS. Nghĩa gợi ý doanh nghiệp nếu không thể phát hành thêm trái phiếu thì phải nhanh chóng bán các dự án đang có để giải quyết rốt ráo nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, tránh để mất uy tín. Ngoài ra tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư.
“Đảo nợ thực chất không hẳn là xấu, nhưng do hiện nay đặc điểm thị trường TPDN kỳ hạn hầu như quá ngắn, chỉ khoảng 3 năm, buộc doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu để đảo nợ. Trước đây, trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi kỳ hạn phát hành chỉ 1-3 năm, tức giải ngân đầu tư công chưa xong đã đến kỳ đáo hạn. Cuối cùng, Chính phủ hạ quyết tâm tìm mọi cách để đẩy kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lên 5-10 năm, thậm chí 20 - 30 năm. Bí quyết cho sự thành công này là hai chữ: minh bạch… Nếu chúng ta làm được như vậy với trái phiếu doanh nghiệp thì quá tốt", TS. Nghĩa kỳ vọng.