Hỗ trợ tiêu thụ: Chất lượng nông sản phải đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp
Chiều ngày 11/02, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp nhằm kết nối các doanh nghiệp phân khối lớn với các địa phương có vùng sản xuất tập trung như Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận, Sơn La, Thanh Hóa... để đẩy mạnh các mặt hàng nông sản đã, đang và sẽ thu hoạch trong thời gian tới.
Cùng tham gia buổi làm việc còn có một số đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh và các doanh nghiệp phân phối lớn (Vincommerce, Tập đoàn Central Retail - Siêu thị BigC và Go!, MM Mega Market, AEON, Lotte, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Hapro, BRG…).
Tại đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương và doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin cụ thể về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó, phối hợp hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn, đặc biệt trước việc một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan.
Là địa phương chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, các sản phẩm nông sản của tỉnh bao gồm thanh long, xoài, khoai lang, nhãn… đang gặp khó trong tiêu thụ. Trong đó, xoài là mặt hàng chủ lực của tỉnh, (khoảng 30 ngày nữa vào thu hoạch, với tổng diện tích 11.000 ha, sản lượng khoảng 90.000 tấn), khoai lang (là mặt hàng tồn đọng lớn nhất của tỉnh, có khoảng 11.000 tấn), ớt (6.700 tấn), nhãn (1.200 tấn)... Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề nghị các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, người sản xuất chi phí vận chuyển tiêu thụ hàng hóa, lãi suất ngân hàng, thu mua tạm trữ, sơ chế, sử dụng kho đông lạnh bảo quản hàng hóa kéo dài trong thời gian thu hoạch...
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang thì cho biết tỉnh lo ngại nhất là đầu ra cho quả vải thiều. Bởi, mùa vụ vải bắt đầu từ 20/5, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm từ 45-60%, nhưng trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, đầu ra của quả vải sẽ bị ảnh hưởng. Đại diện tỉnh Bắc Giang mong muốn các ban ngành tìm đầu ra mới cho sản phẩm, trong đó tập trung hướng đến thị trường Nhật Bản.
Cùng chung nỗi lo với các địa phương khác, đại diện đến từ Đồng Nai - bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cũng chia sẻ, lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khá lớn, khoảng 85.000 tấn chuối cấy mô và 59.000 tấn xoài, bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản sắp vào mùa vụ như mít, chôm chôm, sầu riêng... cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, ngoài công tác hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản mà tỉnh đang triển khai thực hiện, Sở Công Thương Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối tỉnh với các đơn vị tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh.
Chất lượng nông sản cần đảm bảo uy tín cho hệ thống phân phối trong nước
Trước những băn khoăn, lo ngại của đại diện các Sở Công Thương về diễn biến của tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ cũng như xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp phân phối đã khẳng định sẽ tích cực kết nối thị trường, đưa nông sản vào hệ thống. Tuy nhiên, chất lượng nông sản cần được các địa phương chú trọng.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối cung ứng dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce cho biết, hiện nay, hệ thống siêu thị của Công ty đang hỗ trợ phân phối 2 sản phẩm là thanh long đỏ và thanh long trắng. Đại diện VinCommerce nhấn mạnh: "Chúng tôi chấp nhận bán hàng không lợi nhuận, chấp nhận lỗ khi chịu chi phí vận chuyển, nên cần cam kết sản lượng cần tiêu thụ là bao nhiêu và giá cụ thể như thế nào”.
Bà Trần Thu Quỳnh - đại diện Tập đoàn AEON Việt Nam cho biết, AEON đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu và thanh long. Chỉ trong 5 ngày, hệ thống siêu thị AEON đã tiêu thụ 60 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long.
Bà Đinh Hải Vân - Giám đốc thu mua miền Bắc của Tập đoàn Central Retail cũng thông tin về việc BigC và Go! tiêu thụ mỗi ngày 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần và 70 tấn ngày.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết cũng đưa hàng nông sản vào nhiều điểm tiêu thụ hàng hoá, ưu tiên trưng bày hàng hoá tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị SaigonCo.op Hà Nội cũng vui mừng thông báo, Co.opMart đã có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long với 800 điểm bán trên cả nước, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 1600 tấn. Tuy nhiên, có lúc dưa hấu và thanh long phải chờ đợi 2 ngày sản phẩm mới ra đến nơi, nên đại diện SaigonCo.op Hà Nội mong các địa phương cung cấp nguồn hàng, đảm bảo số liệu tốt nhất để tiêu thụ cho người nông dân, tránh ảnh hưởng nguồn cung.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh bao nhiêu thì chất lượng sản phẩm là vấn đề đáng quan tâm bấy nhiêu, bởi vì, chất lượng sản phẩm chính là uy tín của mỗi doanh nghiệp phân phối.
Theo bà Trần Thu Quỳnh (đại diện Tập đoàn AEON Việt Nam), cần phải có thông tin chính xác và chiến lược dài hạn hơn bởi nếu người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm nông sản cần giải cứu thì giá trị sẽ không cao và không ưu tiên sử dùng. Bà cũng yêu cầu sản phẩm cần nâng cao tiêu chuẩn về đóng gói, bao bì và chất lượng sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market cũng cho rằng không nên dùng biện pháp giải cứu mà nên có các phương án dài hạn: "Chúng tôi có trạm chung chuyển nên cần có kế hoạch hài hoà về cung ứng, tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm nông sản bền vững và lâu dài".
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc các địa phương và doanh nghiệp đã có sự bàn bạc, trao đổi thẳng thắn các nội dung cụ thể về nguồn cung và năng lực hỗ trợ tiêu thụ của mỗi bên. Thứ trưởng đề nghị các bên có kế hoạch cụ thể về tiến độ giao hàng và thực hiện việc ký kết bản thỏa thuận cam kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, kết nối tiêu thụ nông sản, trước khi thúc đẩy xuất khẩu, cần tập trung vào thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân. Còn việc mở cửa thị trường mới thì phải làm tốt hơn. Theo Thứ trưởng, có thể cân nhắc đến thị trường châu Á như Campuchia, Myanmar… vì với thị trường có nhu cầu cao như Mỹ, EU thì yêu cầu cũng rất khắt khe. Thế nhưng, muốn xuất khẩu thành công, địa phương cần tính toán để tái cơ cấu sản xuất và chuẩn bị kịch bản mang tính chiến lược, bài bản hơn.