Hơn 9.000 tỷ đồng TP.HCM đề xuất sẽ hỗ trợ những đối tượng nào?
Theo Zing News, Sở LĐTBXH TP.HCM đề xuất bổ sung hơn 1.660 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1,1 triệu lao động tự do (mỗi người sẽ nhận được 1,5 triệu đồng).
Đồng thời, cơ quan này đề xuất bổ sung hơn 7.210 tỷ đồng để chi cho gần 1,6 triệu hộ (khoảng 4,5 triệu người) là lao động khó khăn sống trong nhà trọ, lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và 300.000 lao động làm thuê theo thời vụ, mỗi người nhận được 1,5 triệu đồng.
Có 298.133 người lao động tự do ở TP.HCM đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí là hơn 447 tỉ đồng.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH TP.HCM cũng kiến nghị hỗ trợ gần 39.000 người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp hàng tháng; hơn 157.000 người thuộc nhóm bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cộng đồng, các mái ấm... Mỗi trường hợp nhận 1,5 triệu đồng và hỗ trợ cho gần 54.000 hộ nghèo, cận nghèo, mỗi hộ nhận 1,5 triệu đồng.
Nguồn tiền hỗ trợ được đề xuất từ ngân sách, trong đó có nguồn cải cách tiền lương.
Trước đó, TP.HCM triển khai 2 gói hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM. Tuy nhiên đến nay, dịch tiếp tục diễn biến phức tạp khiến số người gặp khó khăn tăng lên.
Đẩy nhanh tiến độ chi các gói hỗ trợ cho người dân trên địa bàn
Chiều 29/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM công bố tiến độ chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (trái) tặng quà cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19. Ảnh: Cao Thăng
Việc chi hỗ trợ là theo công văn số 2209 ngày 1-7 của UBND TPHCM (gói hỗ trợ của TPHCM theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM) và Nghị quyết số 68 của Chính phủ cùng Quyết định số 23 của Thủ tướng (gói hỗ trợ của Chính phủ). Cụ thể, TPHCM đã chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn như sau:
- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 67.407 lao động (đạt tỷ lệ 98%), kinh phí hỗ trợ gần 141 tỷ đồng.
- Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 193 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 396 triệu đồng.
- Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm trong đợt 1 (chốt đến ngày 8-8) là gần 366.000 người với số tiền gần 549 tỷ đồng.
Trong khi đó, đợt 2 đến nay hỗ trợ 547.220 người (trong tổng số hơn 1 triệu lượt lao động, đạt tỷ lệ 51%), kinh phí hỗ trợ gần 821 tỷ đồng. Tổng cộng 2 đợt là gần 1.370 tỷ đồng.
- Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11,7 tỷ đồng.
- Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 20.829 hộ thương nhân (đạt tỷ lệ 98%), kinh phí hơn 32 tỷ đồng.
- Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2,3 triệu người lao động, kinh phí hỗ trợ: 1.060 tỷ đồng.
- Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 156 đơn vị với hơn 31.000 người lao động, kinh phí hỗ trợ 238 tỷ đồng.
- Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ gần 516 triệu đồng.
- Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 338/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng.
- Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả…: 362.180/1,2 triệu hộ (đạt tỷ lệ 30%), kinh phí 527 tỷ đồng. (Trong đó, từ ngân sách là gần 409 tỷ đồng, từ nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM là hơn 118 tỷ đồng).
- Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.776 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,8%), kinh phí gần 59 tỷ đồng. Trong đó, từ ngân sách là hơn 39 tỷ đồng, từ nguồn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM là gần 20 tỷ đồng).
- Hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn: đã hỗ trợ hơn 205 tấn trong tổng số gần 1.155 tấn TPHCM đã nhận đợt 1 (đạt tỷ lệ 13%).
Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc
Cách đây không lâu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, để 312 xã phường tại Thành phố thực sự là 312 pháo đài phòng chống dịch cần phải thực hiện bằng được các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân… các cấp tham gia động viên, giải thích, tuyên truyền, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Thứ ba là về bảo đảm về y tế. Tăng cường năng lực y tế cho cấp xã phường về ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng…, bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường. Chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Như vậy, có ba tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19: tại xã phường, tại quận huyện và Thành phố, trong đó tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng. Tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng và tiếp tục nghiên cứu nhiều biện pháp phù hợp khác như điều trị tại bất cứ nơi nào tốt nhất, có không gian thoáng mát, kết hợp đông y và tây y, tăng cường hướng dẫn điều trị qua các phương tiện thông tin đại chúng… Giảm tối đa các trường hợp tử vong. Bộ Y tế phải hướng dẫn về các nội dung này.
Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.
Thứ năm, về an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…
Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm “thần tốc” theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bộ Y tế chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.
Nguyễn Triệu
Xem thêm: Nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19