HPG, HSG khởi sắc phiên đầu tháng, Việt Nam có hai cổ phiếu thép vốn hóa tỷ đô
Hoa Sen là doanh nghiệp thép thứ 2 của Việt Nam đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD, sau Tập đoàn Hòa Phát. Một trong những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu thép là kết quả kinh doanh khả quan dù vướng dịch bệnh.
Cổ phiếu tiến sát đỉnh lịch sử
Trong phiên giao dịch 1/10, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực khi các chỉ số đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. VN-Index và VN30-Index giảm lần lượt 0,53% và 0,82%. HNX và UPCoM-Index cũng mất tương ứng 0,24% và 0,6%.
Cổ phiếu ngành thép là một trong những nhóm diễn biến khả quan và hỗ trợ thị trường. NKG của Nam Kim và VGS của Việt Đức cùng tăng 1,2%, HPG của Hòa Phát thêm 0,9%, HSG của Hoa Sen tăng 0,5%.
Hiện nay, HPG chỉ còn cách đỉnh lịch sử thiết lập hôm 1/6 (ngày chốt quyền cổ tức) chưa đầy 4%. HSG và NKG cũng ở sát các mức giá kỷ lục đạt được hồi giữa tháng 9 vừa qua.
Trong một tháng 1/9 – 1/10, VN-Index chỉ đi ngang quanh 1.335 điểm nhưng nhiều cổ phiếu thép tăng trưởng tốt, có những mã đi lên hai chữ số.
Xét về vốn hóa, HPG tiếp tục bỏ xa các doanh nghiệp khác với giá trị niêm yết gần 239.000 tỷ, tương đương 10,4 tỷ USD. HSG đứng thứ 2 ngành thép với vốn hóa 23.070 tỷ đồng, tức vừa đủ 1 tỷ USD. Theo sau là TVN với 11.500 tỷ và NKG với 9.800 tỷ.
Một trong những nhân tố thúc đẩy cổ phiếu ngành thép vượt trội so với thị trường chung là kết quả kinh doanh tương đối khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thành phẩm thép các loại trong 8 tháng đầu năm nay đạt hơn 18 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC) tăng trưởng mạnh nhất khi vọt lên 113% và đạt 4,85 triệu tấn, chủ yếu nhờ Hòa Phát đưa thêm lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất vào hoạt động.
Tiêu thụ tôn mạ đạt 3,4 triệu tấn, tăng gần 37%. Thị trường xuất khẩu chiếm tới 61% tổng sản lượng. Một số doanh nghiệp chuyên về tôn mạ như Hoa Sen và Nam Kim đã bán tới 70 – 75% sản lượng ra nước ngoài trong 8 tháng đầu năm. Tỷ lệ xuất khẩu/tổng tiêu thụ tôn mạ của Đông Á là 61%, của Hòa Phát là 59%.
Riêng tháng 8 vừa qua, thị trường nước ngoài chiếm tới trên 80% sản lượng tôn mạ của nhiều doanh nghiệp, với Nam Kim là hơn 93%.
Mỹ và châu Âu là những thị trường xuất khẩu quan trọng và cũng là nơi mà sản phẩm thép của Việt Nam có lợi thế về giá thành.
Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) dự báo sản lượng tiêu thụ thép của EU sẽ tăng 10,2% vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2022 do các hoạt động sản xuất và xây dựng phục hồi sau đại dịch.
Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá HRC (nguyên liệu để làm tôn mạ, ống thép) tại Mỹ lên tới 2.100 USD/tấn, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 900 USD/tấn. Sau khi cộng thêm chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu, giá HRC Việt Nam tại Mỹ là khoảng 1.350 USD/tấn, vẫn đảm bảo cạnh tranh.
Trong 7 tháng đầu niên độ tài chính (bắt đầu từ tháng 10/2020), Hoa Sen đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả niên độ.
Lũy kế 11 tháng tính đến tháng 8 vừa qua, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen là 2,05 triệu tấn, vượt 14% kế hoạch toàn niên độ và tăng 43% so với cùng kỳ. Doanh thu ước tính 42.551 tỷ, lãi sau thuế xấp xỉ 4.000 tỷ, tăng lần lượt 74% và 279% so cùng kỳ và đều vượt xa kế hoạch.
Hòa Phát đã bán gần 218.000 tấn tôn mạ trong 8 tháng, đạt 66% kế hoạch cả năm và cao gần gấp đôi cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép xây dựng những tháng gần đây gặp khó khăn do nhiều địa phương giãn cách chống dịch, nhưng lũy kế 8 tháng vẫn đạt 2,47 triệu tấn, tăng trưởng gần 16%.
Ngoài ra, Hòa Phát còn đẩy mạnh tiêu thụ HRC, là sản phẩm có nhu cầu và biên lợi nhuận cao hơn.
Triển vọng cổ phiếu dầu, khí
Cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index phiên 1/10 vừa qua là GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas). Với mức tăng 6,7%, GAS đã giúp chỉ số thị trường có thêm 3,35 điểm. Kết phiên, GAS dừng ở giá 103.500 đồng/cp, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 trở lại đây.
Việc giá dầu thô Brent tiến lên sát ngưỡng 80 USD/thùng trong tháng 9 này đã tác động tích cực tới cổ phiếu dầu khí. Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect cho biết giá dầu vẫn sẽ là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu "dòng P" trong thời gian tới.
Bất chấp những khó khăn trong hoạt động năm 2021 do làn sóng COVID-19 hiện tại, VNDirect tin rằng giá dầu tăng mạnh sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS.
Tất cả giàn khoan tự nâng của PVD đều đã ký hợp đồng trong 6 tháng cuối năm, cho thấy hoạt động thăm dò & khai thác (E&P) tại Việt Nam đang được đẩy mạnh nhờ giá dầu tăng. Đáng chú ý, tại Việt Nam, giá dầu Brent duy trì trên 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để hoạt động E&P hoạt động hiệu quả.
VNDirect có cái nhìn lạc quan về cổ phiếu GAS trong những năm tới nhờ ba lí do.
Thứ nhất, giá dầu được kỳ vọng sẽ dao động trên mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2021-2023.
Thứ hai, nhu cầu cấp thiết về khí tự nhiên trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở Việt Nam,
Thứ ba, GAS hiện đang trong giai đoạn đầu tư lớn, các dự án LNG (cảng Thị Vải ...) và một số dự án khai thác khí trọng điểm (Lô B, Cá Voi Xanh. ...) sẽ là động lực chính cho GAS trong dài hạn. Nhìn chung, VNDirect dự báo tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của GAS đạt 18,3% trong giai đoạn 2021-2023.