[Infographic] So kè quan điểm chính sách của hai ứng viên tổng thống Donald Trump - Kamala Harris

Nội dung: Yên Khê; Đồ hoạ: Alex Chu 07:57 | 11/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 tới đây, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ phải đưa ra lựa chọn giữa hai ứng viên tổng thống có quan điểm trái ngược nhau về nhiều vấn đề chính sách.

 

Dưới đây là tổng hợp chung về quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris về các vấn đề chính, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đến chăm sóc sức khoẻ và thương mại.

Fed

Ông Trump

Khi còn là tổng thổng, ông Trump thường xuyên chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell và yêu cầu các nhà hoạch định chính sách phải hạ lãi suất.

Ông Trump tuyên bố sẽ không giữ ông Powell sau khi nhiệm kỳ hiện tại của Chủ tịch Fed kết thúc vào năm 2026. Ông Trump là người lựa chọn ông Powell dẫn dắt ngân hàng trung ương Mỹ.

Hồi tháng 8, ông Trump khẳng định tổng thống Mỹ nên có sức ảnh hưởng lớn hơn với các quyết định lãi suất của Fed. Ông cho biết mình có nhiều cách để hạ nhiệt lạm phát mà không phải tăng lãi suất.

Bà Harris

Bà Harris cho biết bà tôn trọng sự độc lập của Fed, tiếp tục đường lối mà Tổng thống Joe Biden áp dụng. Bà chưa tiết lộ yêu cầu về người lãnh đạo tương lai của ngân hàng trung ương Mỹ.

“Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ không bao giờ can thiệp vào các quyết định mà Fed đưa ra”, bà Harris nhấn mạnh với báo chí vào tháng 8.

Thuế thu nhập cá nhân

Ông Trump

Phần lớn chương trình cắt giảm thuế mà ông Trump ban hành vào năm 2017 sẽ hết hạn vào cuối năm tới. Ông muốn gia hạn vô thời hạn chương trình đó, duy trì mức thuế suất thấp hơn và khấu trừ tín dụng thuế trẻ em nhiều hơn.

Ông cũng đề xuất một loạt các khoản miễn giảm thuế mới như miễn thuế tiền boa. Gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017 và triển khai thêm các biện pháp mới sẽ giúp người Mỹ tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ USD tiền thuế trong một thập kỷ tới.

Bà Harris

 cam kết sẽ ngăn chặn việc tăng thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400.000 USD, đồng thời gia hạn các khoản cắt giảm thuế sắp hết hạn cho khoảng 97% người Mỹ.

Vị phó tổng thống còn hứa hẹn sẽ xúc tiến đề xuất ngân sách mới của ông Biden. Đề xuất này sẽ tăng nguồn thu thuế thêm gần 5.000 tỷ USD trong 10 năm tới, trong đó có gần 2.000 tỷ USD từ thuế đánh vào người giàu và bất động sản.

Thuế doanh nghiệp

Ông Trump

Sau khi hạ thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, ông Trump đang muốn giảm thuế sâu hơn nữa.

Tuy nhiên, vị cựu tổng thống chưa nhất quán về con số mà ông muốn. Đôi khi ông nhắc đến mức thuế suất 20%, lúc khác ông đặt mục tiêu là 15%.

Bà Harris

Giống ông Biden, bà Harris cam kết sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, giúp chính phủ thu hơn 1.300 tỷ USD trong một thập kỷ tới.

Bà còn dự định tăng thuế đối với thu nhập nước ngoài của các công ty Mỹ như một phần của thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra, bà Harris sẽ tăng gấp 4 lần mức thuế 1% đối với các thoả thuận mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp.

Thương mại và thuế quan

Ông Trump

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã đi ngược chủ trương tự do hoá thương mại toàn cầu của lưỡng đảng bằng việc áp thuế quan cao hơn đối với hàng hoá Trung Quốc, khơi nào cho cuộc chiến thương mại.

Ngoài ra, ông cũng đánh thuế cao hơn lên thép, nhôm và các sản phẩm từ các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh châu Âu.

Ông hứa hẹn sẽ đi xa hơn trong nhiệm kỳ thứ hai: áp mức thuế ít nhất là 60% đối với Trung Quốc và 10 - 20% đối với các nền kinh tế khác.

Bà Harris

Harris dự kiến sẽ tiếp tục chính sách thương mại của ông Biden. Khi nhậm chức, ông Biden đã duy trì hầu hết các mức thuế quan của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, đồng thời nhắm đến các hàng hoá mới như xe điện.

Bên cạnh đó, ông Biden còn chủ trương đàm phán giải pháp cho các tranh chấp về thép và máy bay thương mại với các đồng minh chủ chốt tại châu Âu.

Y tế

Ông Trump

Ông Trump cam kết sẽ giảm chi phí thuốc theo toa nhưng chưa đề cập phương án hành động. Ông cũng hứa hẹn sẽ bảo vệ chương trình Medicare và giảm chi phí chăm sóc sức khoẻ nói chung.

Ông từng nuôi ý định bãi bỏ và thay thế Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng nhưng vào tháng 4 đã đổi ý và muốn cải thiện chương trình này.

Bà Harris

Bà Harris là người ủng hộ Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA). Nhờ IRA, chính phủ Mỹ đã lần đầu tiên có cơ sở để đàm phán giá thuốc theo toa cho các bệnh nhân tham gia Medicare.

Bà hứa hẹn sẽ đẩy nhanh tốc độ đàm phán giá thuốc và cam kết sẽ chấn chỉnh các công ty dược có hành vi gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Nhập cư

Ông Trump

Ông Trump đặt mục tiêu trục xuất càng nhiều người nhập cư bất hợp pháp càng tốt. Ông cũng tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động tiếp nhận người tị nạn, giảm số người nhập cư hợp pháp vào Mỹ và chấp dứt việc tự động cấp quyền công dân cho bất kỳ ai sinh ra tại Mỹ.

Ngoài ra, ông cho biết mình sẽ quay trở lại một loạt chính sách nhập cư trong nhiệm kỳ đầu tiên, bao gồm việc khôi phục và mở rộng lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.

Bà Harris

có lập trường khác hẳn so những nhà lập pháp Đảng Dân chủ. Bà Harris ủng hộ việc phân bổ nhiều tiền hơn để thực thi luật nhập cư và gần đây còn phát một quảng cáo tranh cử với hình ảnh bức tường biên giới do ông Trump xây dựng.

Vị phó tổng thống cho biết bà sẽ thúc đẩy một thoả thuận biên giới lưỡng đảng, cho phép tổng thống có quyền ngừng xử lý những người xin tị nạn nếu số lượng người vượt biên tăng quá cao.

Đồng thời, thoả thuận đó sẽ giúp tăng lượng người nhập cư hợp pháp, một quan điểm mà bà Harris vẫn ủng hộ. Mặt khác, bà cũng mong muốn cấp quyền công dân cho những người nhập cư bất hợp pháp đã sống lâu năm tại Mỹ.

Quyền sinh sản

Ông Trump

Ông Trump là người bổ nhiệm ba thẩm phán Toà án Tối cao đã tham gia lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, qua đó loại bỏ phá thai như một quyền hiến định. Ông nói quyết định giờ đây tuỳ thuộc vào từng tiểu bang.

Tuy nhiên, vị cựu tổng thống nói ông sẽ không ký lệnh cấm phá thai trên toàn quốc nếu đề xuất được đưa đến bàn làm việc của ông.

Harris

So với ông Biden, bà Harris ủng hộ mạnh mẽ quyền phá thai của nữ giới. Song, trên thực tế thì các chính sách của bà phần lớn sẽ là sự tiếp nối của chính quyền hiện tại. Dù vậy, bà Harris có thể sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền phá thai tại các toà án.

Năng lượng và môi trường

Ông Trump

Ông gọi biến đổi khí hậu là “một trò lừa bịp” và tuyên bố sẽ xoá sổ khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 USD cho xe điện.

Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà cũng hứa hẹn sẽ bãi bỏ IRA và các khoản trợ cấp của đạo luật này cho những công nghệ xanh như tua-bin gió, tấm pin mặt trời và pin.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Mỹ khai thác ngày càng nhiều dầu đá phiến.

Bà Harris

Kể từ khi được ban hành, IRA đã cấp hàng trăm tỷ USD tiền tài trợ, cho vay và ưu đãi thuế để thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Vào năm 2020, bà Harris tuyên bố sẽ cấm phương pháp khai thác dầu fracking. Song, chia sẻ với CNN mới đây, Harris cho biết bà đã thay đổi lập trường vì chính sách năng lượng sạch đang phát huy tác dụng.

Trung Quốc

Ông Trump

Cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc - trên cả phương diện kinh tế lẫn quân sự - có khả năng sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai. Đáng chú ý, ông nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế quan ít nhất 60% đối với hàng hoá Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, các nhà phân tích dự đoán ông Trump có thể sẽ tập hợp các đối tác châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc để kiềm chế Trung Quốc.

Harris

Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ tiếp tục chiến lược Trung Quốc của ông Biden bằng cách tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm tàu USS Howard tại một căn cứ hải quân Nhật Bản vào năm ngoái, bà còn tuyên bố sẽ “tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ của Đài Loan”.

NATO, chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump

Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông Trump, tin tưởng vị cựu tổng thống sẽ tìm cách đưa Mỹ ra khỏi liên minh NATO.

Ông Trump liên tục chỉ trích các đồng minh không chi đủ 2% GDP bắt buộc cho quốc phòng. Hồi tháng 2, ông cho biết mình sẽ để Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với các đồng minh tại châu Âu.

Mặt khác, ông Trump đã nhiều lần hứa hẹn sẽ đạt được thoả thuận hoà bình cho Ukraine trong vòng 24 giờ bằng cách đe doạ Kiev và Moscow sẽ phải chịu hậu quả thảm khốc nếu hai bên không hợp tác.

Bà Harris

Giống ông Biden, bà Harris hứa hẹn sẽ nỗ lực củng cố khối NATO và yêu cầu các nước thành viên chi nhiều hơn cho an ninh quốc phòng của chính mình.

Bà cũng cam kết duy trì sự đoàn kết giữa các thành viên trong việc bảo vệ Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của nữ phó tổng thống sẽ gặp khó khăn vì Quốc hội Mỹ đang ngày càng thận trọng với các gói hỗ trợ lớn dành cho Kiev.

Trung Đông, Iran

Ông Trump

Một trong những thành tựu đối ngoại lớn nhất của ông Trump là Hiệp định Abraham, bước đột phá giúp bình thường hoá quan hệ giữa Israel và UAE, giữa Israel và Bahrain.

Mặc dù ông Trump mong muốn bình thường hoá quan hệ giữa Israel và Arab Saudi, đây có thể là một mục tiêu xa vời sau khi xung đột tại Gaza leo thang chóng mặt kể từ cuối năm ngoái.

Trong nhiệm kỳ hai, ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục ủng hộ việc phòng thủ của Israel nhưng cũng sẽ thúc giục Israel chấm dứt cuộc chiến với Hamas và các lực lượng khác trong khu vực.

Liên quan đến Iran, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã thực hiện chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Iran nhằm cắt đứt nguồn thu của Tehran cho các chương trình uỷ nhiệm và quân sự.

Nếu tái đắc cử, ông Trump có thể phải áp thêm lệnh trừng phạt và gây thêm sức ép để buộc Iran thay đổi toàn bộ chính sách đối ngoại của mình.

Bà Harris

Trong chính quyền ông Biden, bà Harris là một trong những người rất mực ủng hộ lệnh ngừng bắn và một thoả thuận hoà bình ở Gaza. Điều này báo hiệu rằng chính quyền Harris có thể sẽ cứng rắn với Israel hơn.

Tuy nhiên, bà Harris cũng thể hiện mình là người ủng hộ mạnh mẽ Israel. Vì vậy, bà có thể vừa gây áp lực để Israel chấm dứt chiến sự, vừa không đi xa đến mức gây áp lực quá lớn lên nước này.

Về vấn đề Iran, giống như những người khác trong chính quyền Biden, bà Harris hy vọng Mỹ có thể quay trở lại bàn đàm phán thoả thuận hạt nhân với Iran.