Startup giao hàng trong vòng 1h của CEO Nguyễn Hoàng Trung muốn IPO tại Mỹ trong vòng 3 năm tới
Từ trụ sở của mình ở TP.HCM, startup trong lĩnh vực quick commerce (thương mại nhanh), Loship, tận dụng phương tiện giao thông được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam để lèo lái đến thành công.
Hoạt động từ năm 2014 với ứng dụng review ăn uống Lozi, Nguyễn Hoàng Trung, CEO và người đồng sáng lập, muốn tận dụng mức độ tương tác người dùng rất cao mà công ty của mình có được.
Khi nhu cầu của người Việt liên tục thay đổi, mô hình kinh doanh của Loship cũng có biến chuyển tương ứng. Hiện tại, Loship theo đuổi mô hình "quick commerce". Loship có mục tiêu giao bất kỳ thứ gì cho người dùng trong vòng 1 giờ đồng hồ, tận dụng mạng lưới tài xế xe 2 bánh rộng lớn.
Hiện tại, mỗi ngày, Loship xử lý khoảng 100.000 đơn hàng, bao gồm cả đồ ăn và đồ tươi sống, bên cạnh các mặt hàng như đồ tiêu dùng nhanh (FMCG). Giao đồ ăn đang ở giai đoạn thăng hoa song Nguyễn Hoàng Trung hiểu rằng đây là một mảng cạnh tranh lớn và anh có kế hoạch kiếm tiền từ các mảng khác.
Hồi tháng 3/2020, Loship mở rộng sang mảng B2B, tận dụng các đối tác tài xế để giao hàng từ các nhà kho đến tay nhà bán lẻ. Loship đặt ra mục tiêu tăng gấp 3 lần doanh thu để đạt EBITDA dương trong 3 năm tới.
"Chúng tôi đang hoạt động ở hơn 11 thành phố. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tại 20 thành phố dẫn đầu và mở rộng hiện diện ở gần như tất cả các thành phố lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn mở rộng ra khu vực, tới các thị trường như Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Bangladesh", anh Trung nói với FinanceAsia.
Anh tin rằng các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, đặc biệt là ở mức thu nhập và mật động dân số. Những đặc điểm này giúp Loship có thêm cơ hội thành công.
Đầu tư cho tương lai Loship
Đến nay, Loship đã kêu gọi thành công 25 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm những cái tên như BAce Capital và Golden Gate Ventures. Loship đang trong quá trình gọi vốn vòng Series C với mục tiêu "chốt" trong quý I/2022. Lúc đó, Nguyễn Hoàng Trung kỳ vọng định giá Loship sẽ tăng gấp đôi.
"Chúng tôi đầu tư vào Loship vào năm 2015. Ban đầu, nó là một khoản đặt cược và đội ngũ sáng lập, thế nhưng chúng tôi cũng biết rằng chúng tôi quan tâm đến mảng thương mại xã hội này vì chúng tôi thấy những dấu hiệu tăng trưởng mạnh", Angela Toy, đối tác tại Golden Gate Ventures, nói.
Trong 3 năm tới, Loship hy vọng có thể sẽ thực hiện IPO tại Mỹ. Mặc dù có nhiều phương án IPO khác, Nguyễn Hoàng Trung nói rằng niêm yết trên sàn NYSE hay Nasdaq sẽ là "một biểu tượng của ngôi sao Việt Nam đang lên".
Có một số lý do Loship muốn tập trung vào thị trường đại chúng Mỹ. Đầu tiên là lý do liên quan đến tầm nhìn mở rộng kinh doanh ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thứ 2, anh Nguyễn Hoàng Trung muốn trở thành một nguồn cảm hứng cho thế hệ doanh nhân Việt Nam bằng cách trở thành một trong những startup đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch danh tiếng của thế giới.
Tầng lớp tiêu dùng mới
Sức tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng tăng khi thu nhập tăng lên và nhiều người gia nhập tầng lớp trung lưu.
Thực tế này cũng tạo đà tăng trưởng cho các startup, đặc biệt là trong các lĩnh vực như bán lẻ, công nghệ tài chính và logistics. Dennis Le, một nhân sự cao cấp tại Openspace Ventures, kỳ vọng các startup "kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam sẽ xuất hiện trong các lĩnh vực này.
Hiện tại, Việt Nam đang có 4 startup "kỳ lân" là VNPay, MoMo, VNG và Sky Mavis.
"TMĐT là động lực thúc đẩy chính trong 5 – 6 năm vừa qua và đóng vai trò quan trọng trong chào đón người dùng đến với thế giới internet. Dù vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế, sẽ có nhu cầu cải thiện hạ tầng thanh toán và logistics, để thúc đẩy cả hoạt động thương mại trực tiếp và trực tuyến", ông Le nhận định.
Yếu tố Trung Quốc
Loship, giống nhiều startup khác, đang tìm kiếm cảm hứng tiếp theo từ Trung Quốc. Hồi tháng 10 năm ngoái, Loship bổ sung 2 trò chơi vào ứng dụng của mình. Trong tuần đầu tiên sau khi ra mắt, Loship ghi nhận tương tác hàng ngày trung bình 50.000 lượt.
"Game là một công cụ marketing hiệu quả để giúp người dùng giải trí và tăng tương tác, tương tự cách nhiều ứng dụng Trung Quốc cũng dùng chiến lược này để thúc đẩy tăng trưởng", Nguyễn Hoàng Trung nói.
Trong khi các startup tìm kiếm cảm hứng ở Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư lại đang tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác trong bối cảnh chính phủ nước này thắt chặt quản lý mảng công nghệ.
"Các nhà đầu tư ban đầu chuyển chú ý từ Trung Quốc về Đông Nam Á như một bước đệm dự phòng cho các căng thẳng thương mại nhưng sau đó nhận ra Việt Nam và Đông Nam á có tiềm năng lớn", ông Toy nói.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng có 2 quan ngại cho các startup Đông Nam Á nói chung. Một trogn số đó là định giá của các công ty, đặc biệt là các công ty gọi vốn ở Series C hoặc D. Và sau đó là chiến lược rút lui (exit). "Với một số ít ngoại lệ, lợi nhuận sau ki startup IPO là không nhiều", ông Niklas Amundsson, đối tác của Monument Group, nói.