JPMorgan: Kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những rủi ro chưa từng có tiền lệ
Mặc dù giá cả và mức lương vẫn tăng ngay cả trước khủng hoảng Ukraine diễn ra, song xung đột tại Đông Âu đã khiến giá năng lượng tăng vọt, khiến tình hình càng trở nên trầm trọng hơn.
Nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững mạnh với hy vọng đại dịch COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, nhưng những “cơn gió ngược” mà nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt hiện nay hoàn toàn khác với những gì đã trải qua trong quá khứ - và sự kết hợp của chúng có thể làm tăng đáng kể rủi ro phía trước.
Ông Dimon đánh giá cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vì cam kết đẩy mạnh việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đồng thời bắt đầu giảm lượng trái phiếu “khổng lồ” mà ngân hàng này đang nắm giữ.
Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7,9% trong tháng 2/2022 so với một năm trước đó và vào tháng trước, FED đã nâng lãi suất cho vay chủ chốt lên 0% lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 3/2020.
Trong tài liệu gồm gần 50 trang, ông Dimon đưa ra những nhận định của mình về các vấn đề kinh tế và chính trị của Mỹ cũng như các thách thức địa chính trị, bao gồm quan hệ với Nga và Trung Quốc, đồng thời đề ra chiến lược của JPMorgan Chase.
Ông cho rằng các ngành công nghiệp của Mỹ sẽ phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng để cải thiện khả năng phục hồi và bảo vệ an ninh quốc gia. Ông cũng kêu gọi Mỹ tăng cường sản xuất năng lượng và giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu của Nga bằng "Kế hoạch Marshall" mới.
Các nhà kinh tế của JPMorgan dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 12,5% vào giữa năm, tồi tệ hơn mức sụt giảm sau vụ vỡ nợ năm 1998, trong khi tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm một nửa, xuống còn khoảng 2% và GDP của Mỹ sẽ tăng 2,5%, cho dù ông Dimon cảnh báo rằng những ước tính đó còn thiếu chắc chắn.