JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch

16:02 | 26/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản, không phải dự án BOT, người dân sẽ được sử dụng miễn phí khi đi qua cao tốc ngầm nội đô đặc biệt này.
Giải quyết được 3 vấn đề cấp bách:  ô nhiểm -  ùn tắc - ngập úng
 
Đây là dự án được cho sẽ cùng lúc giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô Hà Nội bao gồm ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão.
 
Đơn vị đề xuất dự án trên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (Công ty JVE), đây là đơn vị đã từng xử lý thí điểm thành công mùi hôi trên sông Tô Lịch và nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn. Ngoài ra đơn vị này cũng từng công bố ý tưởng cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch bằng đề án "Công viên Lịch sử -Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch".
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 1
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc ngầm dọc "Công viên Tô Lịch".
 
Với đề xuất mới nhất, Công ty JVE dự định xây dựng một hệ thống cao tốc ngầm được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy. Tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công - đường Vành Đai 3 - Linh Đàm.
 
Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80 và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp. Giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc. Bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô. Bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2.
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 2
Mô hình mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô dọc Công viên Tô Lịch (Hà Nội).
 
Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Dự kiến độ sâu trên 30m và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dòng chảy hiện có.
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 3
Mô hình "2 trong 1" thu nước từ trên sông vào máng thu dọc một bên sông, rồi chảy qua giếng thu xuống hầm ngầm và kết hợp cao tốc ngầm.
 
Khi xảy ra mưa bão, nước trên sông Tô Lịch sẽ tràn qua máng thu dọc sông, sau đó tiếp tục chảy vào 9 giếng thu khổng lồ được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông Tô Lịch. Từ đây nước tiếp tục chảy vào hầm ngầm thoát nước, cuối cùng chảy về bể điều áp đặt phía cuối hệ thống.Bể điều áp khổng lồ được thiết kế với dung tích chứa được hàng triệu m3 nước, đáp ứng được các trận mưa lớn với cường  độ mưa lên tới 500mm. Nước được tích trữ trong bể điều áp khổng lồ sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống bơm khổng lồ với công suất lên tới 200m3/giây sau khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp để đảm bảo chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch nhưng không gây ngập úng khu vực hạ lưu và giảm áp lực tiêu thoát nước cho trạm bơm Yên Sở.
 
Miễn phí sử dụng “cao tốc ngầm”
 
 
Trao đổi với Pv Doanhnhanvn, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch  JVE Group cho biết:  Sau dự án tài trợ miễn phí xử lý mùi bãi rác Nam Sơn thành công, đầu tháng 2.2021, JVE Group đã có văn bản báo cáo Bí thư Thành ủy TP Hà Nội về việc đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch” và tài trợ miễn phí lập Quy hoạch “Công viên Lịch sử Văn hóa Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản.
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 4
Ông Nguyễn Tuấn Anh-Chủ tịch Công ty JVE.
 
Dự án này sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản nên Dự án này không phải dự án BOT, vì vậy không tổ chức thu phí cao tốc ngầm mà người dân sẽ được sử dụng miễn phí.
 
Chủ tịch JVE Group nhấn mạnh: Việc xây dựng công trình này không chỉ giải quyết được vấn đề hiện tại về úng ngập nội đô mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn không bị ngập úng cho các công trình hạ tầng ngầm hiện đại trong tương lai như hệ thống các tuyến tàu điện ngầm của thành phố.
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 5
Phối cảnh tốc độ tối đa cho phép trong làn xe cao tốc ngầm.
 
Trước các ý kiến của chuyên gia, ông Nguyễn Tuấn Anh Chủ tịch JVE Group chia sẽ thêm: Hiện Việt Nam đã có những dự án lớn như đường vành đai 3, hầm Thủ Thiêm hay dự án đô thị thông minh 272ha tại huyện Đông Anh (Hà Nội) có tổng mức đầu tư trên 4 tỉ USD…Do đó, chúng ta cần nhìn rộng vấn đề, vì trước đây chúng ta chưa thể nghĩ có ngày xây dựng đường hầm vượt sông Sài Gòn. Liên quan đến vấn đề công nghệ, ông Tuấn Anh cho biết hiện nhiều nước trong khu vực như Singgapore, Malaysia… đã triển khai hệ thống giao thông thông minh và rất thuận tiện cho người dân khi tham gia giao thông.
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 6
 
Cần thiết phải có “cao tốc ngầm” chống ùn tắc nội đô.
 
“Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông nội đô đặc biệt là tại các ngã tư các tuyến giao thông huyết mạch trong khu vực nội đô thì chỉ mở rộng mặt đường là chưa đủ và chưa phải giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề.
 
Thực tế, mặt đường Trường Chinh đã mở rộng từ 4 làn/2 chiều lên tới 10 làn/2 chiều nhưng tại khu vực ngã tư Láng-Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh, Láng-Ngã Tư Sở-Trường Chinh vv… vẫn luôn xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng”. Chủ tịch JVE Group - Nguyễn Tuấn Anh phân tích.      
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 7
    Mô hình tổng thể hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội.       
                        
Chủ tịch JVE Group phân tích cụ thể: “Việc dừng, chờ tại các điểm giao ngã tư, nút giao thông lớn theo đèn tín hiệu dẫn đến việc ùn ứ các phương tiện đi lại, năng lực thông hành xe giảm, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên và trầm trọng nhất tại các khung giờ cao điểm và tê liệt trong những ngày mưa lớn.
 
JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 8
Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc sông Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản.
 
Để dễ hình dung, chúng ta tưởng tượng có một lượng lớn xe ô tô đang phải dừng ở ngã tư đèn đỏ Láng - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, nhưng trong số đó theo ước tính chỉ khoảng 10%tổng số xe là có nhu cầu rẽ phải hay rẽ trái tại ngã tư này, còn khoảng 90% xe có nhu cầu đi thẳng khoảng 2km, 5km, 7km vv…nữa mới tới nơi cần đến nhưng tất cả số xe đó đều phải nối đuôi nhau “đứng im” vài chục giây tại điểm ngã tư có lắp đèn tín hiệu này và việc  ùn tắc giao thông tất yếu sẽ xảy ra.
 
Do vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề ùn tắc giao thông nội đô thì chúng ta cần có giải pháp để số lượng xe không có nhu cầu dừng ở ngã tư đèn đỏ đó có thể đi xuyên qua ngã tư và di chuyển nhanh tới địa điểm mong muốn ở phía trước”  
   
 JVE đề xuất tài trợ xây dựng “cao tốc ngầm” chống úng ngập và ùn tắc dọc sông Tô Lịch - ảnh 9
 Khi xảy ra mưa bão, nước trên sông Tô Lịch sẽ tràn qua máng thu dọc sông, sau đó tiếp tục chảy vào 9 giếng thu khổng lồ được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông Tô Lịch... 
 
Theo thông tin thống kê, tính đến năm 2020 TP Hà Nội vẫn còn tồn tại 26 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Do vậy, để giải quyết tận gốc tình trạng này, chúng ta phải xây dựng hệ thống “cao tốc ngầm” ở dưới đường Láng để giúp các xe ô tô không có nhu cầu dừng ở ngã tư nút giao đó để rẽ phải hay rẽ trái đó có thể đi xuyên qua ngã tư và di chuyển nhanh tới địa điểm muốn đến ở phía trước, và như vậy thì sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Láng và các ngã tư của các tuyến giao thông huyết mạch này.
 
Minh Thư