"Kế sách" nào giúp phục hồi chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản sau giãn?
Đối mặt với nhiều khó khăn
Ngày 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ.
Những ảnh hưởng của dịch Covid -19 gây ra tổn thương nặng nề cho nền kinh tế trong đó có ngành nông nghiệp. Hiện nay, một số địa phương tại khu vực Nam Bộ đã và đang nới lỏng giãn cách, chuyển từ thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg sang Chỉ thị 15/CT-TTg. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đang khẩn trương triển khai các phương án phục hồi sản xuất sau thời gian giãn cách.
Theo thống kê, vụ Hè Thu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1.280 triệu ha, năng suất đạt 56,6 tạ/ha, sản lượng đạt 7,2 triệu tấn, diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong tháng 9 là 230 nghìn ha, ước sản lượng 1,3 triệu tấn. Lúa Thu Đông đã gieo sạ 580 nghìn ha, đạt 83% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700 nghìn ha.
Với vụ lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long, là vụ lúa chính, diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, sản lượng nhiều, giá thành thấp, giá bán cao. Xét nhu cầu giống cho cả vụ ước tính cần khoảng 200 nghìn tấn, trong khi năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cung ứng tối đa 100 nghìn tấn giống; các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50 nghìn tấn giống. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 50 nghìn tấn.
Với cây ăn quả và rau màu, từ nay đến hết năm 2021, sản lượng trái cây khoảng 1,75 triệu tấn, tập trung vào các loại như cam, bưởi, thanh long, chuối… là những cây trồng có sản lượng lớn. Tuy nhiên, hiện đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tổng hợp sản lượng rau các loại từ tháng 9 - 12/2021 ước khoảng 1,95 triệu tấn.
Tại hội nghị ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, vào thời điểm giữa tháng 7/2021, ít doanh nghiệp có thể đánh giá được rằng việc giãn cách có thể kéo dài đến hơn 2 tháng mà chỉ tính toán thực hiện giãn cách trong vòng 2-3 tuần nên có nhiều bị động. Vì vậy công suất ngành chế biến thủy sản giảm chỉ còn 30-35%, nhiều đơn hàng không đáp ứng được.
Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng, khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng - 1 năm, khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.
Khuyến khích doanh nghiệp đã duy trì tốt mô hình hiện tại
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sau ngày 15/9/2021, nhiều tỉnh đã có khả năng tiến tới kiểm soát dịch, đã có nhiều tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Đây là cơ hội để các ngành hàng, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đề xuất một số nguyên tắc làm cơ sở để doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất, chế biến. Cụ thể, tiếp tục phân vùng để kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh – vùng cam – vùng đỏ. Cho phép các doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn mô hình “3 tại chỗ”, “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” hoặc kết hợp, xây dựng phương án áp dụng phù hợp khả năng và điều kiện. Khuyến khích doanh nghiệp đã duy trì tốt mô hình hiện tại mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở có vùng đệm giữa nhân sự mới và nhân sự hiện đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kiến nghị, cần nhanh chóng đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, cụm công nghiệp, khu chế xuất để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới - yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Đây là vấn đề rất đau đầu cho các doanh nghiệp khi người lao động đã bỏ đi, rồi việc kêu gọi họ lại là hết sức khó khăn và rất tốn kém.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất, Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp theo các kịch bản và phù hợp tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương.
Bộ Y tế hướng có dẫn rõ, thống nhất điều kiện nào thì người lao động được đi làm, di chuyển trong vùng, liên vùng, tương ứng mức độ tiêm 1 mũi, tiêm đủ 2 mũi, đã khỏi bệnh, cư trú tại vùng xanh để quản lý tương ứng. Hướng dẫn rõ phương pháp xử lý khi có ca nhiễm, để doanh nghiệp xử lý đúng và tái sản xuất lại nhanh chóng.
Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm với điều kiện phải mua test kit trong danh mục của Bộ Y tế. Người đọc kết quả xét nghiệm phải được đào tạo bởi y tế địa phương. Cho phép khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển kinh tế; trong đó đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì cần xem đây là một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính. Sẽ khó phát triển đồng bằng sông Cửu Long nếu tư duy theo 13 tỉnh, thành.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Các địa phương đang họp bàn giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch, nhưng nếu các tỉnh chỉ tư duy cho địa phương mình thì sẽ không thành công”.
Ba giải pháp trọng tâm
Tháo gỡ ngay những khó khăn không đáng có cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; nâng cao vai trò của địa phương trong tiêu thụ nông thủy sản - đó là 3 giải pháp của Bộ Công Thương nêu ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, ngày 13/9 vừa qua.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, dù phải đối diện với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội, xuất khẩu nông thủy sản của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt sau 7 tháng với mức tăng tới 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD. Khó khăn thực sự chỉ xuất hiện vào tháng 8, khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn khiến ách tắc phát sinh tại tất cả các khâu của chuỗi cung ứng nông thủy sản, từ thu hoạch, chế biến tới vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống Covid ở cả 2 bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ toàn bộ những bất cập của xuất khẩu nông thủy sản theo hình thức “trao đổi cư dân”.
Trung Quốc đã duy trì chế độ ưu đãi cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 bên biên giới, với hạn mức được miễn thuế là 8000 NDT/người/ngày. Vì vậy, từ nhiều năm nay, tại khu vực biên giới Việt - Trung đã tự phát hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn tại các cặp chợ.
Hàng hóa trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng… và chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên. Do là buôn bán tại chợ nên việc quản lý chợ hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc, không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại nông thủy sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân.
“Bộ Công Thương đã nhiều năm nay kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuyển biến là rất chậm” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại Cao Bằng, Hà Giang rất thông thoáng nhưng doanh nghiệp không đi. Cửa khẩu đường sắt tại Lạng Sơn, Lào Cai, cả ngày xuất không nổi 1 toa xe, cũng rất thông thoáng, nhưng không ai đi. Xuất khẩu đường biển cũng vậy, rất thông thoáng, chi phí chỉ bằng 1/3 đường bộ, không ai đi. Tất cả tập trung vào Tân Thanh, Cốc Nam, gây ùn tắc, sau đó đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp "tháo gỡ".
Thái Lan 1 năm quá cảnh nước ta rất nhiều trái cây để xuất vào Trung Quốc; Ecuador 1 năm cũng có một lượng tôm khá lớn quá cảnh nước ta để vào Trung Quốc nhưng tuyệt đối không thấy thương nhân Thái Lan hay thương nhân Ecuador, cũng không thấy Bộ Công Thương Thái Lan hay Bộ Công Thương Ecuador phải đôn đáo lên biên giới Việt - Trung để "tháo gỡ khó khăn".Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh vai trò của địa phương trong tiêu thụ nông thủy sản. Thứ trưởng đặt câu hỏi: “Cũng là Bộ Công Thương, cũng là Bộ Nông nghiệp, cũng bị bủa vây bởi dịch bệnh, tại sao Bắc Giang và Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong một thời gian rất ngắn, không thừa 1 quả? Trong khi đó, vẫn là Bộ Công Thương, vẫn là Bộ Nông nghiệp, mà thanh long, dưa hấu nay tắc chỗ này, mai tắc chỗ khác?”
Vấn đề nằm ở cách làm của chính quyền địa phương. Báo cáo của Bắc Giang cho thấy Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động trong việc hỗ trợ nông dân. Đã 4 năm nay Bắc Giang không cần tới sự giúp đỡ của Bộ Công Thương. Tỉnh tự tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường, tự đưa ra các biện pháp để bảo đảm an toàn cho sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, tự kết nối với thương nhân Trung Quốc để tiêu thụ nông sản cho dân. Nếu các tỉnh trồng thanh long, dưa hấu và xoài cũng làm được như Bắc Giang thì việc tiêu thụ nông sản trong thời gian qua chắc chắn đã tốt hơn rất nhiều.