“Kế sách” nào giúp Thanh Hóa thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn?
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Chiều 15/9, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghe báo cáo Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025. Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã trình bày dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhằm xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, khu vực và cả nước, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy, tạo ra các cực tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.
Dự thảo cũng xác định rõ, phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cần tập trung các nhiệm vụ chính: Công tác lập và quản lý quy hoạch, như Quy hoạch chi tiết Cảng biển Thanh Hóa, quy hoạch các phân khu chức năng chính trong Khu kinh tế Nghi Sơn, đầu tư kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, phát triển nguồn nhân lực, quản lý đất đai, công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ…
Riêng nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách để tập trung đầu tư dứt điểm các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án trong năm 2021.
Kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và đối tác công tư (PPP) để góp phần cùng với nguồn vốn ngân sách từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu trong Khu kinh tế Nghi Sơn, đặc biệt là các tuyến giao thông chính và Cảng biển Nghi Sơn, hoàn chỉnh lại hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp làm cơ sở thu hút đầu tư.
Trong đó, nhiệm vụ lập quy hoạch yêu cầu tích hợp được quy hoạch phát triển hệ thống các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch chung tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 19 khu công nghiệp, tổng diện tích 5.921 ha. Dự thảo cũng đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương liên quan.
Theo ông Thi, Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 6 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong tâm được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, cần được các ngành, các cấp cùng vào cuộc thực hiện. Chương trình phát triển phải được định hướng và xây dựng công phu, trên cơ sở phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào phát triển toàn diện tỉnh Thanh Hóa trong tương lai.
Trên thực tế, hiện nay Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp đến 70% nguồn thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa. Mục đích của Chương trình Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 phải đáp ứng được yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng và cơ chế thuận lợi để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp thu và bổ sung vào dự thảo, trong đó lưu ý nội dung phát triển hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Phần nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan, nên cụ thể hơn nữa, để khi ban hành, sẽ dễ thực hiện hơn.
Kế hoạch Chương trình Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 khi ban hành phải bảo đảm thực hiện được, nên cần làm rõ hơn các số liệu, mốc thời gian, nguồn lực thực hiện. Cùng với đó, phải đưa ra các đề xuất định hướng phát triển cho cả các giai đoạn sau năm 2025. Tất cả phải nỗ lực, nâng cao trách nhiệm, quan điểm là phải hướng đến hiệu quả thu hút đầu tư, nâng cao trình độ quản lý đầu tư, tăng cường phối hợp giữa chính quyền với các nhà đầu tư.
Một số dự án công nghiệp trọng điểm đã đi vào hoạt động
Trong thời gian qua, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, với nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, một số dự án công nghiệp trọng điểm đã đi vào hoạt động như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sẩn phẩm chiết xuất từ dầu, dây chuyền 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, Nhà máy bao bì Đại Dương...
Nhờ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đã thu hút được một số dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,793 triệu USD, bến container và khu hậu cần cảng, tổng đầu tư 6.100 tỷ đồng, cảng tổng hợp Long Sơn, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng...
Cùng với thu hút đầu tư, Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô và diện tích từ 18.611,8ha lên 100.000ha, đồng thời phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018.
Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, công tác phát triển các Khu công nghiệp cũng có chuyển biến tích cực, đã hoàn tất quy hoạch chi tiết một số khu công nghiệp mới như: Bãi Trành, Ngọc Lặc, Thạch Quảng. Qua đó, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư và tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa.