Thanh Hóa có hơn 1.900 doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng qua
“Hai đồng hành” và “ba cam kết”
Lũy kế 8 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 130,7 nghìn tấn, đạt 67,4% KH, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh này đã tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư 74 dự án (07 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 22,7 nghìn tỷ đồng và 42,6 triệu USD; đồng thời, chưa xem xét chấp thuận hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 69 dự án do không đảm bảo theo quy định.
Chỉ trong tháng 8/2021, Thanh Hóa có 188 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, lũy kế 8 tháng đầu năm, có 1.938 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12% so với cùng kỳ, bằng 64,6% kế hoạch, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 7 cả nước, có 766 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21%. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 18.685 doanh nghiệp, tăng 1.645 doanh nghiệp so với năm 2020.
Dịch bệnh Covid - 19 đã khiến hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư ở các tỉnh, thành trong cả nước bị đình trệ. Tuy nhiên, Thanh Hóa lại trở thành điểm sáng của cả nước trong thu hút các dự án. Để có được kết quả đó, ngoài việc nắm bắt cơ hội, còn là sự đổi mới trong chiến lược thu hút các nhà đầu tư của các ngành, các cấp trong tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng cải cách hành chính, đơn giản hóa nhiều khâu thủ tục cho doanh nghiệp.
Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, Thanh Hóa luôn thực hiện “hai đồng hành” và “ba cam kết”. Đó là: đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Thanh Hóa luôn thực hiện “hai đồng hành” và “ba cam kết”.Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư với lượng vốn lớn
Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “Ba cam kết”. Đó là: cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; đồng thời cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.
"Tứ giác phát triển" phía Bắc
Theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, hình thành một tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc.
Với lợi thế là cầu nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, 43 dự án hạ tầng giao thông hoàn thiện từ nay tới năm 2025, Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách với các đầu tàu kinh tế lớn. Hiện tại thời gian di chuyển từ Thanh Hóa tới thủ đô Hà Nội được rút ngắn còn hơn 2 giờ đồng hồ. Cùng sự góp mặt của các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, kinh tế xứ Thanh được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư với lượng vốn lớn. Cuối tháng 1/2021, Tập đoàn AVG Capital Partners (LB Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.
Tập đoàn Foxconn có chuyến công tác tại Thanh Hóa nhằm khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử. Theo đó, Foxconn Việt Nam mong muốn được tỉnh Thanh Hóa giới thiệu địa điểm và ủng hộ tập đoàn đầu tư vào một khu công nghiệp quy mô khoảng 150 ha để xây dựng các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, sử dụng khoảng 100.000 - 150.000 lao động.
Tháng 3/2021, WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đặt vấn đề đầu tư hai dự án hạ tầng khu công nghiệp quy mô hàng trăm ha tại Khu kinh tế Nghi Sơn và huyện Hoằng Hóa, trị giá hơn 330 triệu USD. Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, Milennium Energy (Mỹ) cũng đăng ký dự án đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng với quy mô vốn đến 5 tỷ USD.
Trước đó, tháng 6/2020, Tập đoàn Milennium Energy (Hoa Kỳ) đã đặt bút ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá về việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng có công suất lên đến 4.800 MW với quy mô vốn lên tới 5 tỷ USD. Điều đáng nói, đây là dự án không khai thác tài nguyên của Việt Nam mà phía tập đoàn cam kết sẽ tự cung ứng, nhập khẩu 100% nguyên liệu đầu vào từ các nước khác, do một mình tập đoàn đầu tư và một tổ chức tài chính lớn của Hoa Kỳ tài trợ vốn. Từ đó đến nay, phía Tập đoàn Milennium Energy đã thuê tư vấn thiết kế, triển khai một số công việc liên quan. Đây là động thái cho thấy, khả năng nhà đầu tư sẽ đầu tư vào Thanh Hoá là rất lớn.
Để đón các tập đoàn, công ty lớn vào đầu tư, Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn khu kinh tế Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp đang hoạt động. Theo quy hoạch từ nay tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh này sẽ phát triển thêm cửa khẩu kinh tế Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn, hai khu công nghiệp đô thị - dịch vụ phía Tây và phía Bắc Thanh Hóa.
5 năm qua, Thanh Hóa đã thu hút hơn 1.000 dự án trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 114.000 tỷ đồng. Nhờ đó, phân khúc bất động sản công nghiệp hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Theo một số chuyên gia, kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở, với nhiều khu công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy từ 90 đến 100%.