Nông sản Thanh Hóa tìm đường ra thế giới
Mở rộng thị trường trong nước và quốc tế
Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid - 19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này ký ban hành ngày 27/8 vừa qua.
Mục đích nhằm triển khai hiệu quả 2 kế hoạch “Hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, “Bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội” đã được Bộ TT&TT phê duyệt ngày 21/7.
Kế hoạch hướng tới hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ sản xuất nông nghiệp) lên Postmart, Vỏ Sò và các sàn giao dịch TMĐT khác để có thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Đây cũng là kịch bản để các sở, ngành, địa phương triển khai trong trường hợp tỉnh Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính lớn thiết lập các điểm tập kết, bố trí các điểm trung chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu (cố định, lưu động) có kiểm soát an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo kịp thời nguồn cung và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Đào tạo kỹ năng trên môi trường số cho các hộ sản xuất nông nghiệp
Theo kế hoạch mới được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, để hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan sẽ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho các hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ các hộ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh thông qua hàng loạt hoạt động cụ thể như: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn; Hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng qua sàn TMĐT; Cung cấp thông tin hữu ích như thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân...
Với nội dung cung cấp hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp bưu chính lớn trên địa bàn trong trường hợp giãn cách xã hội, kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, giao các doanh nghiệp bưu chính lớn là Bưu điện tỉnh và Chi nhánh Bưu chính Viettel cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân.
Hai doanh nghiệp này được yêu cầu phải chủ động bố trí phương tiện, kho bãi, vận chuyển theo sự chỉ đạo của chính quyền địa phương để cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính hoặc qua hình thức lưu động đến người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Song song đó, phối hợp với Sở Công Thương Thanh Hóa, đề xuất các phương án hỗ trợ vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị, điểm bán hàng góp phần lưu thông hàng hóa, giảm ùn tắc; chủ động tổ chức các phương thức bán hàng như cố định, lưu động, bán hàng theo địa chỉ, bán hàng qua đường dây nóng, trên sàn TMĐT… để cung cấp hàng hóa thiết yếu đến địa chỉ nhà dân.
Được biết, Thanh Hóa hiện có 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh này nằm trong mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực Quốc gia gồm: gạo, thịt và trứng gia cầm, thịt lợn, rau, quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tôm.
Và có 05 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa không nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực Quốc gia gồm: sản phẩm hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi; mía đường; bò thịt, bò sữa và sản phẩm từ sữa; tre luồng và sản phẩm từ tre luồng; cây thức ăn chăn nuôi.