Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc
Ông Trần Cương, Phó Cục trưởng Cục thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, năm 2022, thương mại giữa châu Hồng Hà và Việt Nam đạt 970 triệu USD, chiếm 30% mậu dịch Vân Nam- Việt Nam; hợp tác kinh tế thương mại châu Hồng Hà- Việt Nam có tiềm năng to lớn, ưu thế bổ sung và là đối tác hợp tác quan trọng về thương mại nông sản phẩm.
Năm 2022, thương mại nông sản phẩm giữa châu Hồng Hà- Việt Nam đạt 440 triệu USD; trong đó, thương mại rau quả đạt 120 triệu USD, thủy sản đạt 810.000 USD. Đáng chú ý, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thanh long, chuối, lương thực như sắn khô, đậu xanh khô, thủy sản; châu Hồng Hà xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là trái cây ôn đới như: nho, cam, các loại rau nhóm lá, nhóm củ, rễ…
Theo ông Trần Cương, hiện nay, Tỉnh ủy, chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam và Châu ủy, chính quyền nhân dân châu Hồng Hà đang tập trung tối ưu hóa môi trường kinh doanh. Đó là sẽ tăng nhanh thúc đẩy xây dựng cửa khẩu số Hà Khẩu, tiếp tục tối ưu hóa quy trình thông quan xuất nhập khẩu, phát huy tốt vai trò "lối xanh" thông quan nhanh chóng cho các nông sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp tại cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai, cung cấp dịch vụ thông quan nhanh chóng cho sản phẩm tươi sống.
Ông Trần Cương mong muốn các doanh nghiệp châu Hồng Hà có thể hợp tác với các doanh nghiệp thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung để đưa trái sầu riêng cũng như các loại hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc qua châu Hồng Hà.
Chương trình giao thương là cơ hội để các nhà cung cấp các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của thành phố Cần Thơ cũng như vùng Tây Nam Bộ gặp gỡ, trao đổi, gắn kết hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây cũng là hoạt động triển khai nội dung Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác thương mại giữa Sở Công Thương tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ký kết ngày 18/1/2023 tại huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, nâng cao giá trị kim ngạch hàng hóa hai chiều trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, với đường biên giới dài tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Lào Cai có hệ thống cửa khẩu biên giới với hạ tầng tương đối thuận lợi, có hai cặp cửa khẩu quốc tế, gồm cửa khẩu đường bộ với hai lối thông quan và cửa khẩu đường sắt đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cũng như các nước trong khối ASEAN đến kinh doanh xuất nhập khẩu với trên 600 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động.
Năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt trên 3,8 tỷ USD; trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam đạt trên 1,2 tỷ USD (thanh long đạt 830.000 tấn, sắn các loại 260.000 tấn, quả vải đạt 27.300 tấn, xoài 13.000 tấn). Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu vẫn đạt trên 2,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 800.000 tấn.
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu có tính bổ trợ lẫn nhau rõ nét thể hiện thế mạnh của mỗi bên; trong đó, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy sản và nhập khẩu các mặt hàng nguyên nhiên liệu: phân bón, hóa chất, than cốc... từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và doanh nghiệp Trung Quốc với mục tiêu tạo sân chơi cho doanh nghiệp các tỉnh hai nước trực tiếp gặp gỡ, kết nối giao thương về nông, thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp của phía châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được trực tiếp khảo sát và đánh giá đúng tiềm năng, quy mô sản xuất nông, thủy sản của thành phố Cần Thơ và các vùng lân cận.
Dịp này đã diễn ra hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp hai bên và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đi khảo sát thực tế, làm việc với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, trái cây, thủy sản của thành phố Cần Thơ và các tỉnh Tiền Giang, Long An.