Khẩn trương sửa đổi chính sách để quản lý sát hơn thị trường vàng
Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Trước hết, cần nhìn nhận câu chuyện của năm 2013-2014 khi có hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế, giá vàng biến động rất nhanh và mạnh, gây xáo trộn thị trường. Lúc đó, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP để kiểm soát thị trường và quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Về cơ bản, Nghị định 24/2012/NĐ-CP rất thành công, hoàn thành sứ mệnh giảm bớt tình trạng vàng hóa, nhất là ổn định thị trường vàng. Qua đó, bình ổn thị trường ngoại hối cũng như góp một phần kiểm soát lạm phát cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường vàng đã và đang có sự thay đổi tương đối nhiều, đặc biệt về mặt quy mô và cách thức hoạt động. Điều này dẫn đến hiện tương chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, khoảng 10 triệu đồng, thậm chí có thời điểm lên tới 20 triệu đồng và rõ ràng ở đây có sự bất thường.
Phóng viên: Vậy theo ông, thị trường có sự bất thường trong thời gian qua là do đâu?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Theo tôi, có hai lý do chính để xảy ra tình trạng bất thường trên thị trường vàng thời gian qua.
Thứ nhất là về quan hệ cung cầu có sự mất cân đối, tức là nhu cầu vàng vẫn khá lớn nhưng nguồn cung bị hạn chế. Việc này chính do thời gian qua, việc nhập khẩu vàng miếng để chế tác ở nước ta còn tương đối hạn chế.
Thứ hai là về tâm lý, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, giá vàng thế giới thay đổi và nội tại của nền kinh tế trong nước có những rủi ro, thách thức nhất định. Việc dẫn đến tâm lý muốn gom hoặc dự trữ một ít vàng hay thậm chí đầu cơ để hưởng chênh lệch. Lúc này, mất cân bằng cung cầu dẫn tiếp đến bất cập trong vấn đề buôn lậu, các đối tượng tìm cách nhập về và chế tác rồi bán trong nước.
Tôi cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện được những vấn đề trên. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước cũng đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng tốt hơn.
Phóng viên: Theo ông, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP đóng vai trò thế nào trong việc giải quyết vấn đề trên?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa, giảm vàng hóa trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đô la hóa nền kinh tế.
Về tổng thể, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 11 năm và đã đến thời điểm cần thay đổi.
Theo đó,Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.
Đối với quy định về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng cần rà soát và đánh giá lại. Về doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Ngoài ra, quy định về thanh kiểm tra, giám sát cần tăng cường để không còn nhiều hiện tượng vàng trôi nổi trong nền kinh tế.
Riêng đối với vấn đề văn hóa trong sử dụng vàng thì vẫn nên duy trì. Văn hóa ở đây có tính chất thừa kế, trao tặng, hồi môn, thậm chí tích cóp vàng ở nước ta cũng được coi là nét văn hóa, truyền thống từ xưa. Điều này sẽ tạo ra một phần nhu cầu trên thị trường và các nước trên thế giới vẫn tôn trọng văn hóa này.
Về mặt dự trữ vàng rất cần thiết trong bất kỳ nền kinh tế tại bất cứ thời điểm nào. Điều này đồng thời đặt ra vấn đề cần thiết phải sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp.
Tới đây, thị trường vàng sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định hơn, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ thì chênh lệch giảm bớt. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá vàng tăng cao như thời gian qua.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!