Khẳng định vị thế trái sầu riêng trong ngành hàng xuất khẩu tỷ USD
Dự báo tiếp tục bội thu
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 110.000 ha trồng sầu riêng, cho sản lượng gần 850.000 tấn mỗi năm, tập trung nhiều nhất tại khu vực Tây Nguyên, sau đó đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Với lợi thế về giá và sự ưa chuộng của thị trường nhập khẩu đã đưa trái sầu riêng Việt Nam lên vị thế cao hơn nhiều loại cây trồng khác như tiêu, thanh long, cao su…
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Intimex Group chia sẻ, với bất kỳ loại nông sản nào mang lại lợi nhuận kinh tế cao, nông dân có quyền lựa chọn. Hiện các loại nông sản như cà phê, tiêu cho lợi nhận từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm, cây sầu riêng cho lợi nhuận 2 tỷ đồng/ha/năm. Với sự chênh lệch lợi nhuận rõ ràng như vậy, việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang loại cây hiệu quả kinh tế cao là đương nhiên. Vì vậy, diện tích sầu riêng tăng "chóng mặt" trong hơn 2 năm qua là không thể tránh khỏi. Tất nhiên khi chuyển đổi, nông dân cũng phải tìm mối liên kết thu mua mới có thể đạt được lợi nhuận cao.
Hơn hết, kết quả xuất khẩu riêng trái sầu riêng trong thời gian qua đã khẳng định điều này. Chưa bao giờ một loại nông sản nào vừa vươn ra thị trường thế giới đã nhanh chóng mang về kim ngạch tỷ USD như trái sầu riêng.
Trong các thị trường tiêu thụ sầu riêng nhiều nhất, Trung Quốc vẫn đang là thị trường tiền năng cho trái sầu riêng Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Hoà, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ đánh giá, trái sầu riêng Việt Nam hiện được người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng. Nếu so với các dịp lễ, Tết trước đây, người tiêu dùng Trung Quốc chọn nhiều mặt hàng khác để sử dụng thì dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, người dân Trung Quốc vẫn xếp hàng để mua sầu riêng ăn Tết. Điều này cho thấy, mức độ ưa chuộng trái sầu riêng của người tiêu dùng ngày càng tăng cao và tạo nên nhiều dư địa để trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện sầu riêng Việt Nam đã vươn tới 24 thị trường; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. Các doanh nghiệp đưa ra dự báo, trong năm 2024 và nhiều năm kế tiếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây đặc sản giá trị cao của nước ta. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Đảm bảo chất lượng để cạnh tranh
Mặc dù trái sầu riêng Việt Nam đang được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và chiếm tỷ lệ nhập khẩu lớn nhất trong các thị trường, nhưng việc phụ thuộc vào một thị trường tất yếu mang lại nhiều rủi ro hơn so với sự phân bổ đồng điều ra nhiều thị trường khác nhau. Chính vì vậy, để giữ thị trường, bắt buộc trái sầu riêng Việt Nam phải luôn hướng đến chất lượng mới được ưu tiên lựa chọn trong loạt sản phẩm cạnh tranh.
Hiện phía thị trường Trung Quốc cũng đã có nhiều yêu cầu về chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu, từ đó cũng cảnh báo rằng nếu người trồng sầu riêng không chú trọng vào chất lượng mẫu mã và chất lượng hàng hóa thì sẽ khó tận dụng được tối đa dư địa của thị trường này.
Thêm vào đó, trong tương lai, cây sầu riêng Việt Nam sẽ còn phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Philippines và Malaysia. Chính vì thế, để tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai, sầu riêng Việt Nam cần duy trì tốt chất lượng, tránh tăng trưởng quá nóng và chỉ tập trung vào số lượng.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, nông dân đang trồng sầu riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang Trung Quốc, để sầu riêng Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường này.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, sầu riêng Việt Nam cần tập trung vào các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị. Hơn nữa, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để bảo đảm truy xuất nguồn gốc chính xác.../.