Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong tháng 8 tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 8 đạt 464,5 triệu USD, tăng 15% so với tháng 7 và tăng 71,5% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Trong tháng 8, giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 266 triệu USD, tăng 186% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau Trung Quốc, những thị trường khác như Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong quý III và quý IV, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại đưa ra tiêu thụ.
Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết nếu giữ được nhịp độ tăng trưởng như hiện tại, bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD/tháng thì ngành rau quả không chỉ hoàn thành mục tiêu 4 tỷ USD, mà còn có thể thiết lập kỷ lục 5 tỷ USD.
Trong bức tranh tươi sáng của ngành rau quả, sầu riêng đóng vai trò quan trọng và dự kiến đóng góp khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1,7-1,8 tỷ USD.
Những thành tựu của ngành rau quả là không thể phủ nhận, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề ở thị trường Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết Bộ NN&PTNT đã nhận được một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Vào giữa tháng 8, Trung Quốc tiến hành kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi Việt Nam. Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Do đó, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý bên cạnh việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng các quy định về kiểm dịch ngày càng khắt khe của Chính phủ Trung Quốc.