Xuất khẩu sầu riêng ‘lên ngôi’ nhưng vẫn cần học hỏi Thái Lan để vươn xa

Trang Mai 11:35 | 23/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, quả sầu riêng tươi chiếm hơn 80% tổng trị giá xuất khẩu trái cây của cả nước, trong đó chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Dù vậy, mặt hàng này vẫn cần đầu tư bài bản hơn nữa để nâng cao giá trị xuất khẩu và giữ chân thị trường trong thời gian dài.

Xuất khẩu sầu riêng chạm mốc hơn nửa tỷ USD trong 5 tháng

Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa vào tháng 8/2022, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả chính ngạch, nhất là mặt hàng sầu riêng. Cũng từ đây, loại trái cây này đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng rau quả nước ta. Nhiều chuyên gia dự báo, mặt hàng này có thể mang về 1 tỷ USD cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. 

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng của nước ta có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc cũng nhanh hơn so với Thái Lan. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm ngoái. Tỷ lệ xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là 97%.

Trong báo cáo thường kỳ tháng 5, Tổng cục Hải quan dành riêng một phần để nói về sự tăng trưởng đột phá của sầu riêng xuất khẩu. Báo cáo nhấn mạnh: Đóng góp chính cho tăng xuất khẩu nhóm hàng rau quả là xuất khẩu quả sầu riêng tăng cao đột biến. Trong tháng 5, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới 503,4 triệu USD, tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Xét về con số tuyệt đối, trong 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả tăng thêm tới 608 triệu USD so với 5 tháng đầu năm 2022.

 

Như vậy, có thể thấy nhận định của nhiều người về việc sầu riêng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là hoàn toàn khả thi. Đáng chú ý hơn, ở thời điểm hiện tại mùa sầu riêng ở Việt Nam chỉ mới kết thúc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Vụ mùa ở miền Đông mới chính thức mở ra với sự kiện sáng 16/6 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc, số lượng 360 tấn.

Ngoài hai vùng trên, Việt Nam vẫn còn một vùng trồng rộng lớn khác là Tây Nguyên sẽ vào vụ thu hoạch trong quý III.

 

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vừa được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) cho biết mảng sầu riêng hứa hẹn sẽ mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn cho cả người trồng và doanh nghiệp. 

Theo ông Đức, nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang, Bến Tre, Đắk Lắk,... giỏi có thể lãi đến 2 tỷ đồng/ha/năm. “Nhiều nông dân quen với mức giá sầu riêng 100.000 đồng/kg nên khi giá thấp hơn thì "sốc" chứ không thế nào lỗ được!” - Chủ tịch HĐQT HAGL khẳng định. 

Bầu Đức phân tích thêm nhu cầu sầu riêng trên thế giới rất cao, Trung Quốc cung vẫn chưa đủ cầu. Ngoài bán tươi còn có thể cấp đông để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Úc,... và ngay cả thị trường nội địa nhu cầu ăn sầu riêng rất cao nên không lo ế.

 Cần học hỏi chuỗi cung ứng và kinh nghiệm của Thái Lan 

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trọng Thuỷ - chuyên gia nông nghiệp chia sẻ rằng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sầu riêng. Tuy nhiên, vẫn còn những điều cần học hỏi Thái Lan để loại quả này đi xa hơn nữa. 

 Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ. Nguồn: Trang Mai

Thái Lan và Việt Nam là 2 quốc gia khá tương đồng về thời tiết, khí hậu. Tuy nhiên trong quá trình xuất khẩu rau quả, đặc biệt là sầu riêng, Thái Lan đã có những bước đi “lớn”, điều này được thể hiện rõ trên nhiều phương diện. Đầu tiên là việc liên kết dọc theo chuỗi cung ứng sản phẩm. 

Ông Thuỷ cho biết, sau khi xuất khẩu hoa quả, đội ngũ tham tán, điều tra thị trường của Thái Lan tại Trung Quốc sẽ ngay lập tức đưa thông tin sở thích, nhu cầu thị trường (kích cỡ, chất lượng, màu sắc, đặc tính,...) về nước. Sau đó, nhà khoa học sẽ dựa trên nhu cầu đó để cải tạo giống, cho ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, hình thức tốt hơn. Từ đó nhà vườn cho ra sản phẩm đúng với thị yếu thị trường. 

Ngoài ra, yếu tố liên kết ngang cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để nông sản thuận lợi xuất khẩu. Đó là việc các chủ vườn liên kết thành hợp tác xã, có mã vùng, tuân theo quy trình, quy định của đất nước xuất khẩu để doanh nghiệp dễ dàng thu mua, kiểm soát chất lượng sản phẩm. 

Điều thứ 2 sầu riêng Việt có thể học hỏi Thái là khâu đóng gói, cấp đông sản phẩm. “Hiện nay, sầu nước ta mới chỉ vào được những vùng ở khu vực Quảng Đông, Quảng Tây, một vài siêu thị nhỏ ở Trung Quốc mà chưa đi sâu vào được nội thành, khu vực trung tâm với dân cư đông. Để vào được khu vực này, cấp đông sầu riêng là phương pháp tối ưu nhất, bởi không chỉ giải quyết được vấn đề vỏ sầu, việc cấp đông còn thuận tiện hơn, được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn, nhất là trong việc mua làm quà tặng. 

Nếu bán cả quả như truyền thống thì hiện giá sầu Việt còn kém Thái Lan, nhưng nếu cấp đông và có hình thức, mẫu mã đẹp, giá thành có thể lên tới 800 nhân dân tệ/kg.” - ông Thuỷ thông tin. 

Ngoài ra, chúng ta có thể tăng tính cạnh tranh bằng việc căn cứ vào mùa vụ của Thái để bán trái vụ, bán hàng mùa hè vào mùa đông và ngược lại. Tuy nhiên, khâu bảo quản và chế biến nông sản phù hợp để có thể bảo quản thời gian dài cũng là bài toán đáng lưu ý. 

Là thương nhân nhiều năm xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch CTCP Đầu tư Bagico nhận định: “Trung Quốc đã bắt đầu trồng được sầu riêng, nhưng việc tự chủ nguồn cung sầu riêng vẫn còn là câu chuyện ở tương lai xa. Sầu riêng Việt Nam có lợi thế so với Thái Lan chủ yếu do khoảng cách địa lý, trong khi thương hiệu thì chưa thực sự vượt trội”.

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Thuỷ, bà Thực cũng cho rằng bên cạnh xuất khẩu sầu riêng tươi, Việt Nam cần xúc tiến để có thể xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng bóc múi cấp đông, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu ở các thị trường giàu như Bắc Kinh, Thượng Hải. Sầu riêng bóc múi và các sản phẩm từ sầu riêng mới là việc cấp bách để ngành sầu riêng ổn định và bền vững”.

Thêm nhiều cơ sở và vùng trồng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu

Cuối tháng 5 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023.

Theo đó, kết quả có 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số. 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, Trung Quốc chi khoảng 14,6 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây, tăng 8% so với năm 2021. Trong đó, nhập khẩu sầu riêng chiếm gần 30%, tương đương 4 tỷ USD. Hiện, Thái Lan đang là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với 3,85 tỷ USD, chiếm khoảng 96% kim ngạch nhập khẩu.

Ngay sau khi sầu riêng Việt Nam được cấp "visa" vào Trung Quốc từ tháng 7/2022, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã đạt 190 triệu USD trong năm 2022. Thị phần của sầu riêng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.