Khánh Hòa: Dự kiến thu hơn 1000 tỷ đồng từ các dự án sai phạm
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo Thanh tra Chính phủ về công tác triển khai, tiến hành các nội dung kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào ngày 4/11/2020.
Sau khi TTCP nêu rõ các công trình, dự án vi phạm quy định, tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đã giao của 10 dự án sai phạm. Ngoài ra, quá trình kiểm tra việc xác định giá đất của 24 dự án khác mà TTCP kết luận có sai phạm cũng đang được địa phương này đẩy nhanh việc thu hồi tiền nhằm không để thất thu ngân sách.
Về việc thu hồi tài sản thất thoát tại các dự án sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng trong kết luận, đến cuối tháng 4/2021, tỉnh Khánh Hòa cho biết đã thu về là hơn 66,6 tỷ đồng.
Một dự án của tập đoàn Mường Thanh tại Nha Trang, Khánh Hòa
Với dự án Mường Thanh Viễn Triều nổi tiếng của ông Lê Thanh Thản, Khánh Hòa đã thu hồi được 11,2 tỷ đồng. Trước đây UBND tỉnh đã thực hiện sai quy định về mốc thời gian tính tiền thuê đất đối với dự án này. Còn lại, tỉnh đã giao lực lượng công an xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.
Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành 12 quyết định thu hồi miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất sai quy định tại 11 dự án với tổng số tiền hơn 201 tỷ đồng. Tính đến thời điểm tháng 4/2021, đã có 9 chủ đầu tư chấp nhận hoàn trả với số tiền hơn 60 tỷ đồng.
Đối với việc xử lý chênh lệnh tăng thêm khi bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng vốn nhà nước không đúng quy định thì lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tài sản công trước khi làm việc với các doanh nghiệp thì phải yêu cầu nộp bổ sung phần chênh lệch tăng thêm theo kết luận thanh tra, số tiền 20,6 tỷ đồng.
Hiện tại, vẫn có một số doanh nghiệp đưa ra khiếu nại, không chấp nhận việc thu tiền của UBND tỉnh.
Ngoài ra, để xử lý tình trạng chênh lệch giá đất, tiền thuê đất, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản dề nghị cho doanh nghiệp liên quan nộp số tiền khắc phục khoảng 823 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình thu hồi hiện đang có dấu hiệu chậm trễ khi chỉ có doanh nghiệp chịu nộp hơn 1 tỷ đồng. UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các sáu chủ đầu tư đứng đằng sau các dự án nộp tiền chậm nộp bù vào ngân sách Nhà nước. Nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành.
Tính tổng cộng các khoản xử phạt hành chính, sửa chữa sai phạm tại nhiều dự án vi phạm pháp luật thì tỉnh Khánh Hòa thu về hơn 1000 tỷ đồng.
Cũng trong một diễn biến liên quan, ngày 17/6 Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa vừa kiến nghị chi 565 triệu đồng tiền ngân sách để thẩm định lại giá đất tại 9 dự án sai phạm đã được Trung ương chỉ ra.
Hiện Sở cùng đang tiếp tục triển khai, thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể 351 dự án đất trên địa bàn, với tổng diện tích lên đến hơn 3.633 ha. Trong đó có 40 dự án có sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
H.S
Xem thêm: Hai nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt vì giao đất cho doanh nghiệp trái luật