Khánh Hòa muốn vốn trung ương đầu tư làm cao tốc Đà Lạt - Nha Trang
Về lý do cần thiết đầu tư dự án này, UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, việc xây dựng cao tốc Đà Lạt - Nha Trang nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách, thúc đẩy kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh. Đồng thời là tăng cường giao lưu văn hoá, kinh tế, du lịch giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hoà.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hoà, tuyến cao tốc Đà Lạt - Nha Trang sẽ có chiều dài khoảng 85km, xây dựng theo hình thức theo hình thức đối tác công tư, trong đó vốn Nhà nước đầu tư khoảng 50%.
Được biết, nếu được phép tiến hành, quy mô vốn của dự án này sẽ vào khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Nếu mọi việc thuận lợi, UBND tỉnh Khánh Hoà đề xuất dự án cao tốc này được khởi công ngay trong giai đoạn 2021 – 2025.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện tỉnh đang tập trung cho mục tiêu phấn đấu xây dựng lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Mặt khác, nguồn lực của tỉnh hiện còn hạn chế.
Do đó, văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị đề nghị Bộ GTVT xem xét, sử dụng nguồn vốn Trung ương để thực hiện dự án này.
Đây là dự án cao tốc thứ 3 được UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất Trung ương đầu tư. Cao tốc đầu tiên là tuyến Buôn Ma Thuột - Nha Trang do UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
Dự án này đã được Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 với chiều dài 113km.
Cao tốc thứ hai là Nha Trang - Vân Phong có chiều dài 83km, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Cao tốc này cũng đã được được Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 – 2030.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện còn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với chiều dài khoảng 49km đang hoàn thiện giải phóng mặt bằng.
Đây là tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, dự án xây dựng đoạn cao tốc này được dự kiến khởi công trong quý 2/2021, và hoàn thành trước năm 2024.
Đề xuất cao tốc của Khánh Hòa có khả năng sẽ nhanh chóng được bổ sung vào quy hoạch phát triển. Lý do vì Việt Nam hiện đặt mục tiêu rất cao trong phát triển cao tốc trong 5 năm tới làm thêm hàng nghìn km.
Tuy nhiên, áp lực về vốn để đạt mục tiêu phát triển cao tốc này sẽ rất lớn, Mặt khác, việc phát triển cao tốc hiện đối diện với nhiều nguy cơ về thu xếp vốn, gây phản ứng tiêu cực từ xã hội, gia tăng chi phí vận tải, từ đó khiến giảm sức cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, chú trọng phát triển cao tốc cũng tạo nguy cơ ít nhắc tới là dồn vốn cho phát triển cao tốc dễ dẫn tới giảm khả năng huy động vốn đầu tư vào các loại hình vận tải then chốt khác như đường sắt, đường biển...