Khi các đại gia đi...bán cà phê

11:25 | 19/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bất chấp các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn bán lẻ, hàng tiêu dùng, thậm chí cả bất động sản không giấu diếm tham vọng đầu tư chuỗi cà phê thương hiệu - "sân chơi" tỷ USD với nhiều tiềm năng

Cà phê đã có mặt ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Trải qua gần 1 thế kỷ rưỡi, cà phê đã trở thành một thứ đặc sản. Đi cùng năm tháng, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự giao thoa của các nền văn hóa, cà phê vẫn có vai trò quan trọng trong cuộc sống người Việt Nam, cũng như có những bước chuyển mình đáng kể, trong đó nổi bật là sự ra đời của những chuỗi cửa hàng cà phê.

Trước đây, khi nhắc đến kinh doanh chuỗi cà phê, người ta thường nghĩ ngay đến một số thương hiệu nước ngoài tiêu biểu như Starbucks, Highlands...; hay một số thương hiệu Việt “quen mặt” The Coffee House, Phúc Long, Trung Nguyên...

Tuy nhiên, gần đây, sân chơi này lại có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân với tiềm lực không nhỏ.

Khi các đại gia đi...bán cà phê - ảnh 1

Theo nghiên cứu từ Euromonitor (công bố vào năm 2020), thị trường chuỗi cà phê và trà Việt nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm. Trong đó, 5 chuỗi cà phê lớn nhất gồm Highlands, Starbucks, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên chỉ chiếm vỏn vẹn 15,3% thị phần. Điều này đồng nghĩa, “cuộc chơi” thị trường chuỗi cà phê đủ lớn để bất cứ ai có thể tham gia, dĩ nhiên với điều kiện đi kèm là đủ tiềm lực.

Một trong những thương vụ tiêu biểu là Masan (thông qua công ty thành viên The Sherpa) vào ngày 24/5 đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% CTCP Phúc Long Heritage – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long, với mức giá là 15 triệu USD.

2 năm trước, Masan Beverage – một thành viên khác thuộc Masan Group, cũng đã chi 1.700 tỷ đồng thâu tóm toàn bộ CTCP Vinacafé Biên Hòa với kỳ vọng mảng cà phê tiếp tục trở thành nền tảng trụ cột trong chiến lược phát triển ngành hàng đồ uống.

Một thương vụ khác là CTCP Tập đoàn PAN vào năm 2019 đã mua 80% vốn CTCP Cà phê Golden Beans – đơn vị sở hữu công ty con là Shin Cà phê - vận hành tiệm cà phê, kinh doanh cà phê rang xay tại TP.HCM; và đơn vị còn lại SOC, kinh doanh cà phê nhân và vận hành mảng giáo dục.

Tính đến hết ngày 31/3/2021, PAN sở hữu 79,6% vốn Shin Cà Phê với tổng giá trị là 60,2 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp lớn khác âm thầm tham gia vào thị trường này từ năm 2020 là Nova Group của doanh nhân Bùi Thành Nhơn. Vào tháng 5/2021, CEO và cổ đông sáng lập PhinDeli cho biết Nova Consumer Group – thành viên của Nova Group, đã mua lại thương hiệu chuỗi cà phê PhinDeli. Đây là cái tên tiếp theo trong danh mục các thương hiệu chuỗi cà phê được Nova Group quản lý gồm Saigon Casa, Gloria Jean’s Coffees; Mojo Coffee, Cà phê Cô Ba….

Bên cạnh những doanh nghiệp kể trên, còn nhiều cái tên khác có thể kể đến như chuỗi cà phê Ông Bầu của "bộ ba" doanh nhân Võ Quốc Thắng, Trần Thanh Hải, Đoàn Nguyên Đức; chuỗi thương hiệu cà phê Chuk Chuk của anh em doanh nhân Trần Lệ Nguyên, King Coffee của nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo...

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt nói: ”Có lẽ, mục đích lấn sân sang cà phê của các tập đoàn lớn nhằm làm chủ chuỗi phân phối của họ. Trước đây, đa số các nhà sản xuất chỉ phân phối sỉ, nhất là chỉ sản xuất thô và thành phẩm. Việc tham gia cả thị trường đầu ra trong chuỗi sản xuất đồng nghĩa các doanh nghiệp có thể tăng biên lợi nhuận gộp”.  

Có thể thấy, những Masan Group, Pan Group, HAGL, Vinamilk,... đều là các đơn vị làm chủ khâu sản xuất. “Duy chỉ có Nova là trường hợp đặc biệt”, ông Minh nói.

Không dễ kiếm lời từ kinh doanh chuỗi thương hiệu cà phê

Xu hướng đầu tư kinh doanh chuỗi cà phê của các doanh nghiệp trong và ngoài nước phần nào cho thấy thị trường này đang có sự cạnh tranh khốc liệt.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, trong 5 công ty sở hữu chuỗi cà phê thương hiệu “quen mặt” tại Việt Nam, chỉ có 3/5 doanh nghiệp có lãi.

Trong đó, nổi bật nhất là Highlands (công ty mẹ) với lãi thuần các năm 2017 và 2018 gần 100 tỷ đồng. Năm 2019, dù lãi co về còn 55 tỷ đồng, nhưng đây vẫn là con số cao nhất trong 5 chuỗi cà phê thương hiệu chiếm thị phần chủ yếu ở Việt Nam.

Dù không lãi bằng Highlands, nhưng Phúc Long (công ty mẹ) và Starbucks (công ty mẹ) cũng có mức lãi năm 2019 lần lượt là 16 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, The Coffee House (công ty mẹ) báo lỗ 80,6 tỷ đồng trong năm 2019, trước đó công ty này trong giai đoạn 2016 - 2018 ghi nhận lãi dao động từ 1,8 tỷ đồng đến 11,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, Trung Nguyên (công ty mẹ) lại liên tục lỗ thuần trong giai đoạn 2016 – 2019. Tính riêng năm 2019, Trung Nguyên lỗ đến 50 tỷ đồng, con số thấp nhất trong 4 năm tài chính trở lại đây.

Có thể thấy, giống như nhiều lĩnh vực khác, cà phê cũng là “cuộc chơi” không chỉ có hoa hồng. Câu chuyện cạnh tranh trong lĩnh vực này không chỉ là nguồn lực tài chính, mà còn là nắm bắt tâm lý thị trường, xu hướng tiêu dùng của khách hàng, kiểm soát chất lượng...

Nhà đầu tư