Khi nào người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ?

11:37 | 03/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch số 267/KH-UBND nhằm triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh này.

Đầu 7/2021 Chính phủ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ/CP thông qua gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tiếp đó, ngày 14/7, tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Bộ LĐ-TBXH cùng các địa phương đặt ra mục tiêu đến 30/7/2021, chi trả xong cơ bản cho người bị ảnh hưởng COVID-19. 

Khi nào người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ? - ảnh 1Nhiều ngành nghề, lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19

Tại Hà Tĩnh cũng như những tỉnh thành khác, đại dịch COVID-19 đã làm hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, giảm thu nhập; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt độngvì vậy người dân và doanh nghiệp đang rất“mong ngóng”gọi hỗ trợ này.

Chị Ngọc Hà - chủ nhà hàng Ngọc Hà (địạ chỉ 584, Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh) không khỏi lo lắng: “Dịch bệnh kéo dài khiến việc kinh doanh bấp bênh, từ tháng 5 đến nay nhà hàng thông báo đóng cửa hoàn toàn và đã có thông báo với cơ quan thuế, nhân viên nhà hàng thì đều nghỉ hết, không biết đến khi hoạt động trở lại lấy đâu ra nhân viên vì họ đi tìm việc làm khác rồi. Để mở nhà hàng đã khó giờ duy trì trong thời điểm này càng khó, chúng tôi mong muốn nhà nước có chính sách quan tâm đến doanh nghiệp chúng tôi về việc hỗ trợ thuế cũng như hỗ trợ lãi suất ngân hàng trong thời gian dịch và sau dịch.Đồng thời,chúng tôi rất mong chờ chính sách hỗ trợ từgói26.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như chúng tôi”.

Cũng tâm trạng chờ đợi, anh Nguyễn Tiến Trình – Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Trẻ Hà Tĩnh cho biết: “Công ty Lữ hành du lịch Thành Sen của anh là một công ty hoạt động lâu năm và là một đơn vị có thương hiệu ở khu vực miền Trung và cả nước nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua khiến công ty không chỉ không có việc làm, nhân viên phải nghỉ việc mà “số phận” công ty hàng chục năm qua xây dựng đứng trước bờ vực phá sản nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài. Chúng tôi hi vọng bớt được một phần khó khăn nhờ gói hỗ trợ này”.

Đối tượng thụ hưởng tại gói hỗ trợ được mở rộng 

Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch số 267/KH-UBND triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh

Theo kế hoạch, người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được nhận tiền hỗ trợ 1 lần với mức thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 3,71 triệu đồng từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Khi nào người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ? - ảnh 2Doanh nghiệp du lịch lữ hành đóng băng hoàn toàn trong mùa dịch

Gói hỗ trợ này được mở rộngđối với các đối tượng gồm: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng đồng; nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ 3,7 triệu đồng. 

Với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi. Đối với người lao động bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế để phòng chống COVID- 19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn. Riêng trẻ em được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/bé.

Đồng thời, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Nhà nước sẽ giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).

Huy Hùng

Xem thêm: Chính phủ chia sẻ, thấu hiểu và kịp thời hỗ trợ nhân dân trong thời khắc khó khăn nhất để chống dịch