Dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 tăng lên 3,9% và kỳ vọng 'trong nguy có cơ'
Dự báo lạm phát cả năm 3,9%
Dựa trên bối cảnh vĩ mô chung, các nhà phân tích từ MAS nhận định lạm phát nhiều khả năng vẫn được kiểm soát ổn định dưới mức 4% trong năm 2022; nhưng nâng dự phóng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức 3,8% trong dự báo trước đó lên mức 3,9%.
“Rủi ro lạm phát đang ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, giá cả thực phẩm có xu hướng tăng trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine và những biện pháp trừng phạt liên quan. Thứ hai, sự tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào có khả năng kéo dài do nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong khi nguồn cung bị đứt gãy. Cuối cùng, tác động của gói hỗ trợ lớn của Chính phủ, kèm theo tăng trưởng tín dụng cao”, báo cáo của MAS chỉ rõ.
Tuy nhiên, về mặt tích cực, vẫn có một số yếu tố góp phần kiềm chế và ổn định lạm phát trong năm 2022 như chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường của Chính phủ hay sự phục hồi còn chậm trong nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch…
Trong tháng 4/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam tăng vọt lên 2,64% trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng mạnh, giá các dịch vụ cũng tăng theo đà phục hồi nhu cầu tiêu dùng.
Trong đó, đóng góp mạnh nhất vào mức tăng lạm phát trong tháng 4 là nhóm ngành văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 4,6% tỷ trọng tính CPI và ăn uống ngoài gia đình tăng 3,8%, chiếm 8,6% tỷ trọng tính CPI.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, vốn chiếm 18,8% tỷ trọng tính CPI, cũng tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái do giá nguyên vật liệu gia tăng. Nhóm giao thông, chiếm 9,7% tỷ tọng tính CPI, cũng tăng trưởng đáng kể do đà tăng của giá dầu.
Chỉ riêng nhóm thực phẩm, vốn chiếm 21,3% trong cách tính CPI là hạ nhiệt nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần kiềm chế lạm phát.
Tăng trưởng GDP cả năm dự báo 5,9%
Tháng trước, các chuyên gia MAS đã điều chỉnh tăng dự phóng tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam lên mức 5,9% trong kịch bản cơ sở từ mức 5,7% trong những lần dự báo trước đó, do kỳ vọng ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ chính sách mở cửa biên giới và thúc đẩy du lịch.
Tháng này, MAS tiếp tục duy trì mức dự phóng 5,9% cho tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm nay. Cũng theo MAS, "trong nguy có cơ", vẫn có nhiều động lực thúc đẩy đà phục hồi kinh tế trong nước trong bối cảnh sức ép lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị thế giới.
Thứ nhất, khu vực sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi mạnh mẽ và kỳ vọng khởi sắc trong phần còn lại của năm. Trong tháng 4, chỉ số công nghiệp (IIP) tăng 2% so với tháng 3 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với cùng kỳ 2021, cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ của các năm trước dịch (tháng 4/2018 tăng 5,8%, tháng 4/2019 tăng 9,6%)... 4 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 7,5%.
Chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam đạt mức 51,7 điểm trong tháng 4, như vậy chỉ số này đã duy trì trên mức 50 điểm, phản ánh sự mở rộng trong 7 tháng liên tiếp. Các động lực chính thúc đẩy sự phục hồi nhu cầu trong nước và thế giới như tỷ lệ tiêm vaccine ở mức cao, công suất nhà máy và giờ làm tăng cũng được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi của IIP trong phần còn lại của năm.
Tuy nhiên, MAS cảnh báo một số rủi ro với đà phục hồi của khu vực sản xuất bao gồm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu; tăng trưởng toàn cầu chịu tác động xấu của cú sốc chiến tranh Nga-Ukraine và chính sách Zero COVID của Trung Quốc…
Một động lực tiếp theo củng cố đà phục hồi kinh tế trong nước là xuất khẩu. Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32,19 tỷ USD, tăng 15,5%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái còn kim ngạch nhập khẩu ước 119,83 tỷ USD, tăng 15,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD.
Nhóm chuyên gia MAS nhận định động lực tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như tình hình phục hồi hoạt động doanh nghiệp, nhà máy; sự cải thiện nhu cầu bên ngoài nhờ việc triển khai vắc xin COVID-19 và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại chủ chốt. Một số rủi ro có thể kể tới là nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi thấp hơn kỳ vọng và sự gián đoạn cung ứng toàn cầu tiếp tục trầm trọng thêm.
Bên cạnh đó, đầu tư công được MAS kỳ vọng là một trong những động lực chính thúc đẩy phục hồi kinh tế trong năm nay. Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2021 bằng 20% và tăng 18,4%). Tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái một phần do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng, dẫn tới tiến độ thi công của dự án bị chậm lại.
Hiện nay, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đang dốc sức thúc giải ngân đầu tư công trong nỗ lực tạo động lực lan tỏa cho phục hồi kinh tế. Gần đây nhất, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 được ban hành nhằm triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021−2025, đảm bảo khởi công trước 31/12; triển khai thi công đồng loạt trước 31/3/2023. Trước đó, đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao, có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 dưới mức trung bình của cả nước.
Một động lực đáng kể khác là sự phục hồi tiêu dùng. Trong tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức hồi phục hai chữ số (tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái), đặc biệt dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành ghi nhận doanh thu tăng lần lượt là 14,8% và 49,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021 Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ và tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm 2022 vẫn thấp hơn tốc độ của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Bên cạnh tiêu dùng trong nước, khách quốc tế cũng hồi phục mạnh mẽ nhờ mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Trong tháng 4, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7%.
Dự báo phần còn lại của năm 2022, MAS duy trì quan điểm lạc quan về sự hồi phục của bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng nhờ các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng lên, người lao động cải thiện thu nhập khi quay trở lại thị trường lao động, từ đó thúc đẩy chi tiêu và sự khởi sắc của ngành du lịch sẽ dần khởi sắc trong năm 2022. MAS đồng thời chỉ ra rằng rủi ro lớn nhất đối với tiêu dùng là sự bùng phát dịch COVID-19 trở lại, nhưng nguy cơ này khó xảy ra.
Ngoài ra, vốn FDI cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. 4 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đăng ký mới đạt 3,7 tỷ USD, giảm mạnh 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án đăng ký mới dù vậy vẫn tăng nhẹ 0,7%. Trong khi đó, vốn đăng ký điều chỉnh tăng đạt 5,3 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm tích cực khác là vốn FDI giải ngân 4 tháng đầu năm đạt tới 5,9 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2021.
MAS nhận định trong những tháng còn lại của năm, dòng vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mức cao trong khi các doanh nghiệp đã và đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, chính sách đi lại giữa các nước đã trở lại bình thường, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc các nhà đầu tư nước ngoài khảo sát và làm các thủ tục đầu tư và cuối cùng; Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, với lợi thế về vị trí địa lý và chi phí lao động rẻ.
Chỉ có một rủi ro chính Việt Nam cần lưu tâm là sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia ngày càng gia tăng có thể tác động đến dòng vốn FDI trong dài hạn.