Khơi thông nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng nhanh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỷ đồng.
“Với kết quả này, đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này. Năm 2023 không giống các năm trước, vốn rất lớn và tỷ lệ đạt cao với 51,38%, cho thấy đây là kết quả rất tích cực”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công tăng mạnh
Cùng nhận định về những kết quả đầu tư công đạt được trong 9 tháng, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, khối lượng thực hiện đầu tư công 9 tháng đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt trong quý III, nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý III, 9 tháng và cả năm 2023.
"Năm 2023 là năm có kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn bao gồm cả vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng đã xong vấn đề về thủ tục, quy trình đã tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công năm nay có xu hướng tích cực hơn các năm trước", bà Nguyễn Thị Hương nhận định.
Long An là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cao. Năm 2023, UBND tỉnh giao vốn đầu tư công cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện gần 9.829 tỷ đồng; trong đó, vốn trung ương hơn 3.282 tỷ đồng; vốn địa phương hơn 6.546 tỷ đồng. 9 tháng của năm 2023, Long An đã giải ngân gần 6.641 tỷ đồng, đạt gần 68% kế hoạch (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước).
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trương Văn Liếp, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, đạt tỷ lệ giải ngân trên, ngay từ đầu năm 2023 UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện và giải ngân. UBND tỉnh Long An thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và lập thủ tục giải ngân; đồng thời, các ngành, các cấp phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn cho chủ đầu tư.
Cùng với đó, Tiền Giang cũng là địa phương luôn nằm trong Top các tỉnh, thành giải ngân nhanh vốn đầu tư công nhất của cả nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị kết hợp có biện pháp chú trọng giải ngân nhanh vốn đầu tư công gắn với giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, Tiền Giang đã tạo thêm động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đến cuối tháng 9/2023, toàn tỉnh Tiền Giang giải ngân được trên 3.230 tỷ đồng, đạt trên 61% kế hoạch vốn đầu tư công, tăng hơn 28% so cùng kỳ năm trước. Tiển Giang đang đặt ra mục tiêu cuối năm 2023 nỗ lực giải ngân 100% vốn đầu tư công trên địa bàn.
Còn tại Đồng Tháp, theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, việc thi công phần đường chậm vì cần nhiều cát để đắp nền, trong khi đó từ tháng 3 đến tháng 7/2023, các mỏ cát dừng khai thác để đánh giá lại trữ lượng nên nguồn cát cung cấp cho dự án cũng tạm ngưng.
Không đứng yên “chịu trận”, để góp phần bù lại tiến độ, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tập trung thi công những công trình cầu, cống vì ít có nhu cầu về cát. Hiện nay, nguồn cát phục vụ dự án đã được cung cấp trở lại. Các nhà thầu tăng cường thêm nhân lực, thiết bị, máy móc để tăng tốc thực hiện, đẩy nhanh tiến độ và đến nay, tiến độ thực hiện dự án này đạt trên 55%.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư công được giải ngân nhanh đã giúp nhiều địa phương tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề giúp nhiều công trình, dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.
Dồn lực ở chặng nước rút
Trong các nhiệm vụ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh đến giải ngân đầu tư công; trong đó phải tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; kiên quyết không để tình trạng dàn trải, kém hiệu quả. Xác định rõ đây là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn; đồng thời góp phần tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tăng năng lực của nền kinh tế, thu hút đầu tư cho phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, hiện nay đang có 5 địa phương trên cả nước có tỉ lệ giải ngân vốn rất thấp là: Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh, trong số này, Tp. Hồ Chí Minh có tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 30%.
Vì vậy, mục tiêu đẩy mạnh giải ngân hơn 68.000 tỉ đồng trong năm 2023 là thách thức lớn, cần tập trung đẩy nhanh trong những tháng cuối năm.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng vẫn nằm trong nhóm địa phương có tốc độ giải ngân chậm. Nguyên nhân chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc.
Để thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, điểm mấu chốt có thể tạo ra đột phá giúp đầu tư công giải ngân theo đúng như mục tiêu đặt ra, phát huy được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, đó là việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.
Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; đồng thời, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Cùng với đó, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là Ban Quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ gây khó khăn, không hoàn thành nhiệm vụ…
Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, các chủ đầu tư triển khai nhiều giải pháp về chấn chỉnh đấu thầu, công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án; chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là việc bồi thường giải phóng mặt bằng…
Còn ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, các đơn vị xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; trong đó, các chủ đầu tư chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn dự án.
Để khắc phục nguồn cung đất, cát và nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ thi công, các địa phương kiểm soát chặt chẽ về giá các loại vật liệu chính như cát, đất đắp và đá, tránh tình trạng các chủ mỏ thao túng, liên kết tự ý nâng giá vật liệu. Xử lý nhanh thủ tục và hồ sơ cấp phép khai thác mỏ mới...
Theo chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, nếu năm 2023 giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1,3%. Trong bối cảnh đó, với sự chủ động và khẩn trương thúc đẩy giải ngân của Chính phủ, vốn đầu tư công thực hiện trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy; đồng thời, đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.