Không phải hoàn nhập lãi dự thu, lợi nhuận Sacombank (STB) có thể tăng mạnh trong năm nay

Thùy Dương 16:53 | 03/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) là ngân hàng niêm yết lớn thứ 7 của Việt Nam về mặt tài sản, hiện đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và được kỳ vọng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm nay nhờ không còn phải hoàn nhập lãi dự thu.

Trong báo cáo phân tích ngày 2/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI  kỳ vọng STB sẽ tiếp diễn đà tăng trưởng trong năm 2023, với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) là 65,4% so với cùng kỳ, đạt 10.487 tỷ đồng (mặc dù con số dự phóng này đã giảm 1.000 tỷ đồng so với báo cáo triển vọng hồi đầu năm).

Các chuyên gia Chứng khoán SSI cho hay dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực của STB trong năm nay là nhờ vào sự cải thiện vượt bậc của tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) và ngân hàng không còn phải trích lãi dự thu đề án. Dù vậy, trong báo cáo mới nhất này, nhóm chuyên gia vẫn hạ dự phóng lợi nhuận trước thuế của STB khoảng 1.000 tỷ đồng so với báo cáo hồi đầu năm, bắt nguồn từ lo ngại việc tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ tăng lên do sự gia tăng của nợ Nhóm 2 và rủi ro nợ xấu lây lan từ trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, dẫn đến chi phí tín dụng dự báo tăng từ 1,5% lên 2%.

Chứng khoán SSI đồng thời dự phóng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này năm nay đạt 13,1%, tăng trưởng huy động đạt 14,1%. STB vẫn chưa hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc nên các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tương đương năm trước, Hệ số LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) thuần ở mức khoảng 90% nhờ được hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền gửi khách hàng là 13,5%.

LDR thuần của các ngân hàng. Nguồn: SSI Research

NIM dự phóng tăng mạnh trong 2023 đạt 4,4%. Dự phóng dựa trên việc các chuyên gia đã tính đến tác động của nhu cầu tín dụng thấp trong nửa đầu năm do môi trường lãi suất cao vào mô hình định giá. Hơn nữa, chất lượng tài sản giảm có thể sẽ là một yếu tố khác tác động tiêu cực đến NIM của STB trong năm nay.

 Hệ số NIM của STB (2016 - 2022). Nguồn: SSI Research.

Cùng đó, theo phân tích của SSI, lãi suất cho vay của STB đã giảm từ 50 - 200 điểm cơ bản nhằm kích cầu tín dụng, đặc biệt là cho vay vốn lưu động. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà vẫn nằm trong khoảng 14% - 16%. Các chuyên gia nhận định, việc ưu tiên cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh sẽ khiến lãi suất cho vay bất động sản và các lĩnh vực liên quan khó giảm nhiều trong thời gian tới. Với những vấn đề đang diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trong môi trường lãi suất cao hiện nay, rủi ro nợ xấu lây lan có thể xảy ra trên toàn hệ thống ngân hàng trong 2023.

Bên cạnh đó, kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng được kỳ vọng sẽ đi đến hồi kết trong năm nay, với việc trích lập dự phòng khoản 6.900 tỷ đồng trái phiếu VAMC (công ty quản lý tài sản VAMC). Do đó, dự báo STB sẽ không còn nhiều dư địa để xử lý nợ xấu trong năm 2023 (khoảng 935 tỷ đồng), đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 1,4% và tỷ lệ LLR (tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay) giảm xuống 99,5% (từ 131%).

 

Trong một dự báo thận trọng hơn, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tại báo cáo ngày 29/3 đã kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của STB trong 2023 đạt 8.837 tỷ đồng, tương đương tăng 39,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là con số ấn tượng, dù thấp hơn mức dự phóng lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ của Chứng khoán SSI.

Theo đó, nhóm phân tích VCBS cũng đưa giả định cho năm nay về tăng trưởng cho vay khách hàng ước đạt 13%, NIM là 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu lần lượt là 1,1% và 181%, tỷ lệ CIR (chỉ số thu nhập) đạt 37%. 

STB hiện đã hoàn tất xử lý lãi dự thu và đưa phần lớn các tài sản tồn đọng ra khỏi bảng cân đối. Nhờ đó, quy mô tài sản sinh lời tăng nhanh, trong đó tín dụng tăng trưởng tốt với hạn mức tín dụng hàng năm ở mức 12 – 14%, nhóm chuyên gia cho rằng yếu tố này sẽ giúp STB cải thiện biên lãi ròng NIM và có tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần khả quan.

Dù vậy, VCBS cũng lưu ý 1 số rủi ro về trì hoãn trong quá trình xử lý tài sản tồn đọng, rủi ro nợ xấu và rủi ro thanh khoản tại ngân hàng. 

 Nguồn: VCBS.

 
 

Dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023

Về triển vọng ngành ngân hàng trong cả năm, VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm tốc với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Theo đó, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể ghi nhận suy giảm mạnh về tăng trưởng lợi nhuận trong 2023. Cùng đó, triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường. Cụ thể, định giá P/B (tỷ giá trên sổ sách) toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 25% so với mức trung bình 5 năm.

Tương tự, Chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại và đạt 11% so với cùng kỳ cho 2023 - 2024, từ mức 34% so với 2022. Bên cạnh đó, VNDirect còn đánh giá cho vay bán lẻ sẽ được ưu tiên trong năm 2023 và đây sẽ là lợi thế lớn đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc này.