Khủng hoảng lương thực có thể gây hệ lụy trầm trọng hơn đại dịch COVID-19

Phương Lê 16:46 | 19/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Senegal Amadou Hott đã kêu gọi ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu không tẩy chay việc giao thương thực phẩm của Nga và Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trầm trọng ở các nước dễ bị tổn thương.

Tại cuộc họp của Nhóm G20 Bộ trưởng Tài chính ở Bali, Indonesia vào tuần trước, ông Hott cho rằng cuộc khủng hoảng lương thực, bao gồm tình trạng thiếu hụt và giá cả cao, có thể sẽ làm tổn thương nhiều người hơn cả đại dịch COVID-19.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến nhiều quốc gia như Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt với hàng hóa Nga. Tuy các mặt hàng chủ lực như thực phẩm và phân bón không nằm trong phạm vi các lệnh trừng phạt, nhưng các chủ thể tham gia thị trường cũng hạn chế giao dịch để tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt. 

“Thực phẩm và phân bón được miễn các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường, thương nhân, ngân hàng hay công ty bảo hiểm, đều rất cẩn trọng nếu sản phẩm đến từ một số nước nhất định vì họ sợ bị trừng phạt trong tương lai”, ông nói. “Châu Phi không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này nhưng chúng tôi đang phải gánh chịu hậu quả của nó.”

An ninh lương thực và giá lương thực cao đã trở thành nội dung chi phối các cuộc thảo luận tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20. Sau đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine đã làm ngưng trệ chuỗi cung ứng lương thực trên toàn thế giới. 

Thực tế, tình hình lạm phát và nguy cơ khủng hoảng lương thực đã nhen nhóm trước xung đột. Do Nga và Ukraine là hai trong số những nhà xuất khẩu lúa mì chính, chiến sự bùng nổ hồi tháng 2 càng làm trầm trọng thêm những vấn đề đó, nhất là với các quốc gia ở châu Phi và Trung Đông. Ông Hott nhận định rủi ro càng nghiêm trong khi châu Phi hiện là khu vực chiếm tới 1/3 số người suy dinh dưỡng trên toàn cầu. 

Tình trạng thiếu hụt trầm trọng phân bón đã dẫn đến thiệt hại 11 tỷ USD trong sản xuất lương thực của châu Phi trong năm nay. Nếu không còn có thể dựa vào lương thực nhập khẩu, châu Phi và những nơi khác cần đầu tư để tăng tốc sản xuất lương thực địa phương. 

Bộ trưởng Kinh tế Senegal khẳng định: “Giống như khi đứng trước đại dịch COVID-19, thế giới đã tập hợp lại và đưa ra những quyết định phi thường trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tất cả các đối tác đã thay đổi cách thức và chính sách để đối phó với thách thức. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các bên đều thay đổi chính sách của mình để hỗ trợ các quốc gia".

“Lần này cũng vậy, nếu không nhanh chóng hành động, thế giới có thể sẽ chứng kiến hệ lụy lớn hơn cả thời đại dịch COVID-19”, ông nói thêm. “Tệ hơn nữa, các Chính phủ sẽ tốn nhiều tiền hơn để mua thực phẩm và hỗ trợ người dân bằng viện trợ vào thời điểm lãi suất đang tăng lên”. 

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết cuộc chiến giành nguồn cung thực phẩm thắt chặt là gánh nặng với các nước nghèo. Bà nói: “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về lương thực và các nguyên liệu đầu vào quan trọng như phân bón, nguồn cung có thể bị chuyển hướng từ các nước nghèo hơn sang các nước giàu, lặp lại kinh nghiệm đối với vaccine COVID-19”. Đồng thời, bà kêu gọi các nước hợp tác với nhau hơn hơn là chống lại nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết tại cùng một cuộc thảo luận: “G20 phải đi đầu và kêu gọi các quốc gia khác tránh các hành động phản tác dụng, chẳng hạn như dự trữ lương thực và nguồn cung cấp chính, đồng thời áp đặt các hạn chế xuất khẩu có thể bóp méo thị trường và làm tăng giá hơn nữa”. 

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, các số liệu thống kê đã vẽ nên một bức tranh khá tệ. Theo Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức cao nhất mọi thời đại và đề xuất một kế hoạch 4 điểm bao gồm đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khuyến nghị các nước G20 cần phải đào sâu và đưa ra các giải pháp tốt hơn. :Chúng ta cần phải sử dụng tất cả khả năng của mình để chống lại các hạn chế thương mại, nâng cao tiếng nói chung rằng sẽ là vô nhân đạo và rủi ro nếu thực phẩm không đến được nơi cần thiết,” bà nói tại cùng một phiên họp. “Chúng tôi muốn thấy nguồn cung lương thực quốc tế tăng lên, cần có các cuộc đàm phán để đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine đến nơi cần thiết. Chúng tôi cần hỗ trợ sản xuất, lưu trữ và phân phối lương thực”.

Trong cuộc họp G20, người đứng đầu các tổ chức IMF, FAO và WTO cũng như chủ tịch Ngân hàng Thế Giới David Malpass và Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley, đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi hành động toàn cầu khẩn cấp về cuộc khủng hoảng lương thực.

“Vào tháng 6/2022, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã làm hạn chế số người có khả năng tiếp cận thực phẩm trong thời gian ngắn, điều tồi tệ hơn là cuộc sống và sinh kế của họ gặp rủi ro,” tuyên bố cho biết.

Tuy nhiên, bà Georgieva cũng cho rằng khủng hoảng an ninh lương thực không chỉ vì cách thức hiện tại như xung đột hoặc đại dịch, mà biến đổi khí hậu cũng góp phần gây ra vấn đề theo thời gian. “Cuộc khủng hoảng hiện tại đã có từ trước chiến tranh vì những cú sốc về khí hậu đã làm giảm đáng kể sản lượng ở nhiều nơi”, bà nói.