Nguy cơ thiếu hụt dầu ăn trầm trọng trên toàn cầu khi Indonesia chuẩn bị cấm xuất khẩu
Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây thông báo nước này sẽ ngừng xuất khẩu dầu ăn và nguyên liệu thô để giảm tình trạng thiếu hụt dầu và giá cả tăng vọt trong nước. Lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn bắt đầu từ thứ Năm ngày 28/4 tới và kéo dài vô thời hạn.
Indonesia chiếm hơn 1/3 sản lượng xuất khẩu dầu thực vật trên toàn cầu, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số những khách hàng lớn nhất. Nguồn cung dầu ăn của thế giới - vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi mâu thuẫn Nga - Ukraine, nay ngày càng cạn kiệt.
Ông Widodo cho biết: “Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá việc thực hiện chính sách này để nguồn cung dầu ăn trong nước luôn dồi dào và duy trì mức giá phải chăng".
Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách vào đầu năm nay bắt buộc tất cả các nhà xuất khẩu dầu cọ phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn cung từ thị trường nội địa.
Tosin Jack - giám đốc tình báo hàng hóa tại Mintec ở Anh, nhận định, động thái ngưng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sẽ khiến lạm phát thực phẩm vốn đã ở mức cao trở nên trầm trọng hơn. Thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật đã khiến các nhà sản xuất thực phẩm phải linh hoạt tìm ra công thức mới và sản phẩm thay thế nếu có thể.
Ông John Baize, nhà phân tích độc lập và người tư vấn cho Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ, cho biết: "Dầu thực vật là một phần không thể thiếu trong bữa ăn, đặc biệt là những nước như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Cho nên, nhu cầu cho mặt hàng này vẫn ở mức cao dù giá tăng kỷ lục".
Ông Baize đánh giá quyết định ngừng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia là một vấn đề đáng lo ngại, nhưng dự đoán lệnh cấm này sẽ không kéo dài. Ông cho biết thêm, Indonesia đã xuất khẩu 26,87 triệu tấn dầu cọ vào năm 2021, trong khi lượng tiêu thụ trong nước đạt 15,28 triệu tấn.
Indonesia và Malaysia là những nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, mặt hàng này đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của hai nước. Sản lượng dầu cọ của Indonesia và Malaysia chiếm 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu. Quyết định của Indonesia làm dấy lên lo ngại về việc tăng giá và tình trạng thiếu hụt dầu ăn cũng như vấn đề an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh mâu thuẫn Nga - Ukraine kéo dài.