Lo nạn đói trầm trọng, quan chức Liên Hợp Quốc kêu gọi Elon Musk và giới siêu giàu vào cuộc
Tháng 11 năm ngoái, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) David Beasley đã mở đầu một cuộc tranh luận trên mạng xã hội khi gửi thông điệp: “Chỉ 2% tài sản của người giàu nhất có thể giải quyết nạn đói toàn cầu.”
Lời nhắn nhủ của ông Beasley xuất hiện sau khi một nghiên cứu mới công bố khi đó cho rằng gần 1,9 tỷ người có thể đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Giờ đây, người đứng đầu WFP kêu gọi các tỷ phú tham gia quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa mất an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài.
Theo báo cáo của Tập đoàn Eurasia và Tổ chức Chiến lược bền vững DevryBV tại Hội nghị thượng đỉnh Công dân toàn cầu NOW ở New York hôm 23/5, có tới 243 triệu người có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột ở Ukraine.
Giám đốc điều hành Global Citizen, Hugh Evans, cũng nói với Associated Press: “Các dự báo hiện đang rất ảm đạm.” Ông Evans cho biết ông hy vọng việc ra mắt Quỹ Tác động Công dân Toàn cầu sẽ thuyết phục các cá nhân giàu có quyên góp nhiều hơn cho các chương trình lương thực toàn cầu.
Theo một nguồn tin, vào tháng 11 năm ngoái, tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã ủng hộ khoảng 5 triệu cổ phiếu Tesla trị giá khoảng 5,7 tỷ USD cho một tổ chức từ thiện không xác định. Điều này diễn ra sau khi ông tuyên bố sẽ bán 6 tỷ USD cổ phiếu Tesla và chuyển tiền cho Chương trình Lương thực Thế giới nếu tổ chức này mô tả cách thức tiền sẽ giải quyết nạn đói trên thế giới. Tuy nhiên, hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ không nêu tên bất kỳ người nhận nào cho khoản quyên góp của Musk.
Nói với Associated Press tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), ông Beasley cho hay: “Tỷ phú Elon Musk cam kết sẽ ủng hộ 6 tỷ USD vào chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ điều gì từ ông Musk. Dù vậy, tôi vẫn rất hy vọng”.
Ông Beasley nói rằng thông điệp của ông không chỉ gửi đến hai tỷ phú giàu có nhất hành tinh là Elon Musk và Jeff Bezos mà còn đến các nhà tài phiệt khác. “Thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Không phải chúng tôi đang trầm trọng hóa vấn đề. Thế giới rất cần các bạn”, ông kêu gọi các tỷ phú.
Khủng hoảng an ninh lương thực trên thế giới có nguy cơ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. 2 nước này xuất khẩu 1/3 sản lượng lúa mì, lúa mạch và một nửa lượng dầu hướng dương của thế giới. Nga cũng là nhà cung cấp phân bón hàng đầu.
Việc gián đoạn nguồn cung các mặt hàng lương thực thiết yếu đang làm trầm trọng tình trạng thiếu lương thực và bất ổn chính trị ở các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Trước sức ép nguồn cung và lạm phát, nhiều nước khác cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu lương thực càng đẩy căng thẳng lên mức cao, khiến giá cả nhiều mặt hàng lương thực nhảy vọt đe dọa người nghèo trên thế giới.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cấp lương thực toàn cầu đang là mối quan tâm cấp bách đối với các quan chức Liên Hợp Quốc và các nước. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuần trước đã có các cuộc tiếp xúc căng thẳng với Nga và các quốc gia chủ chốt khác với hy vọng đạt được một thỏa thuận cho phép xuất khẩu các lô thực phẩm, ngũ cốc mắc kẹt tại cảng Ukraine và đảm bảo nguồn phân bón của Nga đến được các thị trường toàn cầu.
Nếu nguồn cung cấp của Ukraine vẫn không được lưu thông, thế giới có thể đối mặt với khủng hoảng nguồn cung lương thực trong vòng 10 đến 12 tháng tới và “đó sẽ là địa ngục trần gian”, ông Beasley cảnh báo.