Khủng hoảng năng lượng đưa ECB vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan'
Cuối tuần qua, các quốc gia châu Âu chủ chốt do Đức dẫn đầu đã công bố các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá chi phí sinh hoạt và giá năng lượng leo thang sau khi nhà sản xuất khí đốt của Nga Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn thông qua một đường ống quan trọng tới Tây Âu.
Đồng tiền chung của khối giảm nhẹ khi bắt đầu tuần giao dịch mới, giảm 0,1% so với đồng bạc xanh, theo đó, 1 Euro đổi 0,9949 USD. Thị trường hiện đang dành mối quan tâm lớn xem liệu rằng đồng Euro có tiến đến mức đáy 1 Euro đổi 0,9901 USD đạt được vào tháng 8 hay không. Việc phá vỡ mức đáy nếu xảy ra đồng nghĩa euro sẽ xuống mức yếu nhất kể từ tháng 12/2002.
Gordon Shannon, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại TwentyFour Asset Management LLP cho biết: “Triển vọng của châu Âu là không mấy lạc quan và bắt đầu tệ hơn vào cuối tuần trước”.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã đẩy giá hàng hóa, đặc biệt là khí đốt lên cao hơn. Đây là một yếu tố quan trọng đẩy đồng euro trượt giá và lần đầu tiên ngang giá với USD vào tháng trước kể từ năm 2002.
Những căng thẳng mới về nguồn cung năng lượng trước mùa đông đe dọa sẽ tăng thêm lực cản cho nền kinh tế khu vực vào thời điểm giá tiêu dùng tăng vọt. Điều này đang gây sức ép lên Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.
Shannon nói: “ECB chỉ mới bắt đầu bắt kịp FED về việc tăng lãi suất, nhưng nếu chúng ta đang rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài, tôi nghĩ rằng điều này sẽ làm chậm lại nỗ lực (thắt chặt chính sách tiền tệ) của họ".
Ngày càng xuất hiện nhiều kỳ vọng về việc ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào cuộc họp ngày 8/9 tới đây. Quyết định này vẫn là một thách thức khi Thống đốc ECB Christine Lagarde và các đồng nghiệp của bà đang phải đối mắt với 2 thách thức lớn cùng lúc là lạm phát kéo dài và suy thoái có nguy cơ sắp xảy ra.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của thách thức mà EU phải giải quyết. Hôm 4/9, Đức công bố kế hoạch cứu trợ trị giá khoảng 65 tỷ (65 tỷ USD). Thụy Điển hôm 3/9 đã công bố khoản trợ cấp khẩn cấp trị giá 23 tỷ USD để tìm cách đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs do Kamakshya Trivedi dẫn đầu, đã hạ dự báo đối với tỷ giá đồng euro xuống 97 cent trong ba tháng tới từ mức 99 cent trước đó. Họ đưa ra dự báo trong một lưu ý hôm 2/9 trước khi các gói cứu trợ khác nhau được công bố. Họ cũng tin rằng đồng euro sẽ vẫn ở dưới mức ngang bằng với đồng USD trong khoảng thời gian 6 tháng tiếp theo trong khi trước đó vẫn kỳ vọng một đợt phục hồi mỗi euro đổi 1,02 USD.