Kịch bản nào cho lạm phát khi NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ?
Trong 8 năm trở lại đây, Việt Nam luôn kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4%. Đáng chú ý, trong hai năm đại dịch COVID-19, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, song mức lạm phát vẫn duy trì ở mức cho phép, cụ thể năm 2020 lạm phát 3,23% và năm 2021 lạm phát 1,84%.
Song, bước sang năm 2022, áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế lại đứng trước nhiều thách thức hơn khi chuỗi cung ứng toàn cầu vốn chưa được phục hồi sau dịch COVID-19 lại phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine cùng với sức ép thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu và các loạt hàng hóa cơ bản leo thang.
Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, xung đột Nga - Ukraine đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt, dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, niken, ngô,... do thị phần sản xuất và xuất khẩu của Nga và Ukraine rất lớn.
Do đó, nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong vài năm tới. Khả năng nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam sẽ tăng cao.
Hơn nữa, khi giá dầu mỏ, khí đốt và các nguyên vật liệu tăng cao sẽ làm tốc độ hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới chậm lại. Đây có thể là tác nhân gián tiếp làm suy giảm tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đồng quan điểm, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh nhận định, nếu lạm phát tăng quá mức 4%, Chính phủ cũng như NHNN sẽ phải áp dụng những chính sách thận trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn yếu, mới bắt đầu hồi phục từ đại dịch COVID-19.
"Điều này có thể tạo ra môi trường không thuận lợi, khiến cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 chậm lại và không đạt được mức tăng trưởng 6-7% như hầu hết các tổ chức đưa dự báo", ông Trần Đức Anh cho biết.
Song, ở thời điểm hiện tại, ông Trần Đức Anh kỳ vọng xung đột Nga - Ukraine sẽ dần hạ nhiệt và kéo theo đó là giá cả hàng hóa quay trở lại quỹ đạo ổn định.
"Mức lạm phát cả năm vẫn dưới 4% và sẽ không xảy ra kịch bản xấu là Chính phủ, NHNN phải thực hiện các chính sách thắt chặt hơn. Tuy nhiên, đây là kịch bản cơ sở và yếu tố rủi ro thì chúng ta vẫn cần phải theo dõi", ông Trần Đức Anh chia sẻ.
Cần kiểm soát đà tăng hàng hóa, tránh "té nước theo mưa"
Bàn về chính sách điều hành kinh tế trong thời điểm hiện tại, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng phải chống lạm phát, kiểm soát giá thành và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nền kinh tế sao cho phù hợp. Không để tăng theo cách “té nước theo mưa”.
Giá xăng dầu tăng 10% thì ngành sử dụng nhiều xăng dầu nhất là dịch vụ vận tải. Bởi 35% giá thành dịch vụ vận tải là do chi phí xăng dầu. Nếu xăng dầu tăng 10% thì chi phí chỉ tăng 3-4%. Còn những ngành khác chịu ít hơn và rõ ràng thì chỉ tăng lên chút, có ngành chỉ tăng 1%, thậm chí chưa đến 1%.
Do đó cần kiểm soát giá các mặt hàng, tránh việc để giá tăng 5,7, thậm chí 10%. Như thế mới đảm bảo mức tăng giá phù hợp trong hoạt động của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, giảm chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Một số chi phí có liên quan như: Chi phí tiếp cận, chi phí về logistics, chi phí vận tải, chi phí bến đỗ, kho bãi, hạ cánh thì Chính phủ có thể tính toán để giảm.
Về phía các doanh nghiệp, cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Lúc đó chúng ta mới có thể bù đắp những khả năng có thể sụt giảm của nhu cầu thế giới cũng như các yêu cầu khác.
Trong khi đó, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV cho rằng nếu lạm phát trở thành mối lo hiện hữu hơn thì biện pháp khả thi nhất là Chính phủ và NHNN cần kết hợp để sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng hơn.
"Tức là chúng ta cần phải có mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn, nâng các loại lãi suất điều hành cũng như là tham vọng về giải ngân vốn đầu tư công hoặc các gói hỗ trợ kinh tế sẽ phải thận trọng hơn để tránh việc bơm ra một lượng lớn tiền ra thị trường cộng hưởng cùng giá nguyên vật liệu khiến cho lạm phát tăng cao", ông Trần Đức Anh nhận định.
Ông cũng lưu ý: "Để làm được những việc này chúng ta cần phải đánh đổi mục tiêu tăng trưởng, tuy nhiên việc ổn định vĩ mô vẫn được ưu tiên hàng đầu hơn là việc cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng 6-7% trong khi là vĩ mô lại bất ổn do lạm phát thì những hệ lụy do lạm phát gây ra sẽ lớn hơn rất nhiều".
Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mới đây được thông qua cũng là chính sách cần thiết và thiết thực, mặc dù có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, song điều cần ưu tiên ở thời điểm hiện tại là kiểm soát lạm cũng như tạo môi trường thuận lợi để áp dụng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ.
"Vấn đề kiểm soát giá xăng dầu là điều quan trọng trong thời điểm này, từ đó sẽ giúp giảm thiểu tác động của lạm phát cũng như hỗ trợ chi phí hoạt động của doanh nghiệp, người dân", vị chuyên gia đánh giá.