Tín hiệu tăng trưởng GDP quý II không lạc quan, Trung Quốc chuẩn bị tung nhiều hỗ trợ
Thương mại Trung Quốc suy yếu đáng kể trong tháng 4
Theo báo cáo của cơ quan hải quan Trung Quốc hôm 9/5, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đạt 273,6 tỷ USD, tức chỉ tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 15,7% đạt được hồi tháng 3.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 chỉ tăng 0,7% lên 222,5 tỷ USD, phản ánh nhu cầu nội địa suy giảm khi làn sóng dịch COVID-19 bùng phát trong nước. Tháng trước, nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng dưới 1%.
Sở dĩ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh như vậy một phần do áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn và triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế thế giới. Một số nhà đầu tư quan ngại chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc - kéo theo việc thành phố Thượng Hải và một số trung tâm công nghiệp của nước này buộc phải đóng cửa tạm thời - sẽ làm căng thẳng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành ô tô, điện tử…
Riêng tại một số thị trường lớn, thương mại với Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở mức khá. Chẳng hạn, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 9,5% lên 46 tỷ USD trong tháng 4 bất chấp các mức thuế quan lên tới 25% vẫn được Bộ Thương mại Mỹ áp dụng với nhiều mặt hàng quan trọng. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ chỉ tăng 0,9% lên 13,8 tỷ USD. Thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm của Trung Quốc với Mỹ đạt 9,8 tỷ USD.
Hay xuất khẩu của Trung Quốc sang 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tăng 8% lên 43,1 tỷ USD trong khi nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu tăng 12,5% lên 23,4 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với châu Âu tăng 49,6% lên 19,6 tỷ USD.
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Nga của Trung Quốc đã tăng vọt 56,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8,9 tỷ USD, có thể do sự tăng vọt giá năng lượng toàn cầu bởi tác động của chiến sự ở Ukraine.
Nhà phân tích Julian Evans-Pritchard của Capital Economics dự báo kim ngạch thương mại, đặc biệt là xuất khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong những quý tiếp theo khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra tiếp tục tạo nên những thách thức cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như làm suy yếu nhu cầu chung của thế giới.
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng khẳng định nước này sẽ tiếp tục kiên định với chủ trương Zero-COVID, càng làm tăng thêm quan ngại ngành sản xuất, bán lẻ và thương mại của nước này phải đối diện nhiều thách thức trầm trọng hơn.
Cho đến nay, phần lớn trong tổng dân số 25 triệu người tại thành phố Thượng Hải vẫn đang được đặt trong diện phong tỏa và chưa mở cửa hoàn toàn trở lại. Một số lệnh hạn chế di chuyển cũng đã được các nhà chức trách đưa ra tại Quảng Châu, trung tâm sản xuất và thương mại lớn ở phía nam Trung Quốc và Trường Xuân, trung tâm công nghiệp ở phía đông bắc đất nước trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, các biện pháp hạn chế kiểm dịch cũng đang được siết chặt thêm.
Gần đây, các nhà chức trách đã có tín hiệu nới lỏng hạn chế tại Thượng Hải, nhưng số liệu thống kê từ cảng Thượng Hải cho thấy khối lượng hàng hóa thông quan qua cảng này vẫn đang thấp hơn khoảng 30% so với mức bình thường. Một số chủ hàng cho biết họ cố gắng tránh cảng Thượng Hải vì lo ngại thời gian thông quan kéo dài khi lượng tài xế xe tải không đủ đáp ứng nhu cầu.
Tại một số nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện điện tử, hoạt động sản xuất đang được cố gắng duy trì bằng cách đưa công nhân trở lại làm việc và sinh hoạt ngay tại chỗ, nhưng công suất sản xuất vẫn bị hạn chế do sự gián đoạn nguồn cung linh kiện.
Về phía cầu, tiêu dùng của người Trung Quốc với hàng nhập khẩu đã suy giảm đáng kể, một phần do tác động của hàng loạt chính sách siết thị trường bất động sản - ngành ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm trên thị trường lao động - trong nửa cuối năm ngoái. Bước sang năm nay, triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế cũng như sự bùng phát đại dịch tiếp tục làm giảm nhu cầu nhập khẩu dầu, quặng sắt, các thành phần công nghiệp và hàng tiêu dùng.
Dự báo tăng trưởng GDP quý II ảm đạm, Chính phủ Trung Quốc xem xét nhiều hỗ trợ
Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,8% trong quý I. Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc tuần trước dẫn lời một cựu quan chức Ngân hàng trung ương (PBOC) dự báo tác động kinh tế của làn sóng bùng dịch do biến thể Omicron gần đây sẽ được phản ánh chủ yếu trong mức tăng trưởng GDP quý II tới đây.
Cụ thể, ông Sheng Songcheng, cựu tổng giám đốc Cục Thống kê và Khảo sát Tài chính thuộc PBOC khẳng định đợt bùng phát dịch hiện nay không chỉ làm ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ mà còn tác động đến lĩnh vực sản xuất khi làm gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng ở trung tâm sản xuất khu vực đồng bằng sông Dương Tử, qua đó gây áp lực cho thị trường lao động cũng như làm giảm tốc độ phục hồi của chi tiêu tiêu dùng.
Với tình hình ảm đạm như vậy, ông Sheng khuyến nghị các nhà chức trách trong nước triển khai các hỗ trợ tài khóa và tiền tệ kịp thời cũng như tìm cách duy trì sự thông suốt của chuỗi cung ứng, đặc biệt là cung ứng công nghiệp, để thúc đẩy sản xuất và kinh doanh phục hồi. Ở một góc nhìn tích cực cho trung hạn, ông Sheng vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế tích cực trong nửa cuối năm, khi các chính sách vĩ mô phát huy tác dụng kích thích phục hồi hiệu quả.
Tháng trước, tờ Tin tức Chứng khoán Thượng Hải dẫn kết quả một khảo sát thực hiện trên 667 công ty niêm yết tại Trung Quốc cho biết khoảng 92% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận chịu tác động từ làn sóng bùng phát dịch lần này, trong đó 37,18% nói rằng tác động là “nặng nề”.
Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp hôm 29/4, tìm cách thúc đẩy một số chính sách hoàn thuế, cắt giảm thuế phí và một số công cụ tiền tệ khác để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, theo Thời báo Hoàn cầu, các chính sách hỗ trợ bổ sung cũng đang được Chính phủ Trung Quốc thiết kế để kịp thời triển khai trong thời gian ngắn nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh nhiều thách thức.