Kido và Vinamilk về chung một nhà, tiến vào thị trường đồ uống quy mô 5 tỷ USD

15:06 | 06/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông tin mới nhất thì Kido và Vinamilk sẽ chính thức liên doanh với nhau để sản xuất nước giải khát không có gas có lợi cho sức khỏe và kem với thương hiệu VIBEV, với vốn đầu tư ban đầu là 400 tỷ đồng.
Tập đoàn Kido vừa công bố Nghị quyết mới thông qua việc thành lập liên doanh với Vinamilk (VNM). Được biết, thương hiệu liên doanh theo tiết lộ của KDC hồi ĐHĐCĐ thường niên năm nay là Vibev. Theo đó, Vibev dự hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không có gas có lợi cho sức khoẻ, và kem.
 
CTCP Tập đoàn Kido (Mã: KDC) vừa công bố việc thành lập công ty liên doanh với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM). Vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 400 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Kido góp 196 tỷ đồng, tương đương 49% vốn; Vinamilk góp 204 tỷ đồng, tương đương 51% vốn.
 
Việc liên doanh với Kido được hai bên thống nhất từ tháng 6/2020, trong đó Kido được biết đến các mảng hoạt động kinh doanh chính gồm bán buôn thực phẩm và mua bán nông sản thực phẩm, công nghệ phẩm và vải sợi; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm và nước uống như nước đá, kem, sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu ăn và kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
 
Kido và Vinamilk liên doanh thành lập công ty nước giải khát
Hai ông lớn trong ngành là Vinamilk và KIDO chính thức liên doanh.
 
Việc sở hữu hàng trăm ngàn điểm bán lẻ khắp cả nước, sản phẩm tới đây của liên doanh khi tung ra thị trường sẽ có điểm đến tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng. Đặc biệt, trước đó cả Vinamilk lẫn Kido đều đang cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm kem. Kido được các chuyên gia thị trường đánh giá đang có ưu thế hơn Vinamilk nếu so về thương hiệu, thị phần, trong khi Vinamilk "nhỉnh" hơn về giá.
 
Dự kiến trong tháng 4/2021, các sản phẩm sẽ chính thức được đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Liên doanh sẽ tích hợp được thế mạnh về hệ thống kênh phân phối của cả KDC và VNM. Tại KDC, với quy mô kênh phân phối hợp nhất hơn 1 triệu điểm bán, tính nôm na mỗi ngày chỉ cần cứ 1 điểm bán tiêu thụ 1 chai nước, thì mỗi ngày liên doanh đã có thể tiêu thụ 1 triệu chai.
 
Chia sẻ về Vibev, đại diện phía KDC cho biết đây là xu hướng kinh doanh mới, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngoại đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt. Từ đầu năm, Bộ Chính trị cũng đã đưa ra chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp nội bắt tay với nhau nhằm củng cố sức mạnh, tận dụng lợi thế (am hiểu được người tiêu dùng trong nước) từ đó tạo nên sức mạnh lớn hơn, hạn chế tình trạng bị thâu tóm bởi tay chơi bên ngoài lãnh thổ.
 
"Sau những cuộc họp hai bên thấy có những tương đồng với nhau, đây là 2 thương hiệu quốc gia. Trong đó, VNM là thương hiệu dẫn đầu ngành sữa. Còn KDC hiện dẫn đầu kem và giữ vị thứ 2 ngành dầu Việt Nam. Nói về liên doanh sắp đến, đây là sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp trong nước hướng đến xây dựng thương hiệu nước uống Việt Nam – Vibev", đại diện KDC chia sẻ.

Hiện nay tại Việt Nam, Nước giải khát – Kem – Thực phẩm đông lạnh là nhóm ngành có quy mô lớn nhưng không ít đối thủ cạnh tranh. Thị trường nước giải khát tăng khoảng 8.4% một năm, và từ 2022 tốc độ sẽ là 6%, dự kiến đạt doanh thu 134.302 tỷ đồng vào năm 2020.
 
Hiện, ngành nước hiện chia làm 6 nhóm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là nước giải khát không ga với tỷ trọng 41%, nước ngọt có ga xếp thứ 2 với 22%, nước tăng lực chiếm 17%, nước dinh dưỡng 9% và nước chức năng đạt 5% còn lại.

Riêng nước giải khát không ga chứng kiến sự tăng mạnh, từ mức 29.694 tỷ doanh thu (năm 214) lên 50.782 tỷ đồng vào năm 2019. Ngược lại, nước ngọt có ga giảm mạnh, dù doanh thu tăng nhưng tỷ trọng giảm từ 24% về 22% sau 5 năm.
 
Kido và Vinamilk về chung một nhà, tiến vào thị trường đồ uống quy mô 5 tỷ USD - ảnh 1

Kem và đồ uống không có ga chính là sản phẩm đầu tiên khi hai công ty chính thức hợp tác

Tập đoàn KIDO gần đây đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi kỳ hạn 5 năm cho một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Số tiền thu được từ lô trái phiếu trên sẽ dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu ăn, bánh kẹo, nước giải khát, nông sản thực phẩm và các sản phẩm khác.

Tập đoàn Kido cũng chính thức khởi động phương án sáp nhập đơn vị thành viên là CTCP Đông lạnh Kido (Kido Foods, mã: KDF) thông qua việc phát hành hơn 23 triệu cổ phiếu KDC để hoán đổi cổ phiếu KDF. Việc chuyển giao cổ phiếu dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý I/2021.

Kido Foods từng công bố mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2021, trong đó có tập trung phát triển sản phẩm và lôi kéo các khách hàng mới tiêu thụ sản phẩm của công ty.

Theo Euromonitor, Kido Foods nhiều năm liền giữ vững vị trí số 1 thị trường kem và năm 2020, Kido Foods tiếp tục mở rộng thị phần lên 43,5%, trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,8% và thương hiệu Celano chiếm 17,4% thị phần.

Còn Vinamilk đang là công ty sản xuất sữa số 1 Việt Nam và hàng đầu Đông Nam Á. Chắc chắn Công ty liên doanh sẽ được thụ hưởng thế mạnh của cả 2 thương hiệu quốc gia này, từ điểm bán trải dài khắp cả nước, nguồn tài chính vững mạnh từ Vinamilk – KIDO.

Cùng với đó, là hệ thống logistic được khai thác hiệu quả dưới sự hỗ trợ từ cả Vinamilk lẫn KIDO, giá nguyên vật liệu tốt nhờ lợi thế quy mô mạng lưới xuất khẩu của Vinamilk tại 30 quốc gia cho ngành nước – kem.

Nguyễn Dung