Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu nghìn tỷ

Trang Mai 17:31 | 27/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 24/11, trái chủ của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) đã thông qua việc bổ sung tài sản bảo đảm cho trái phiếu KBCH2123002 của Công ty bằng 1,1 triệu cổ phiếu phổ thông của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang.

Lo ngại về các khoản nợ trái phiếu 2.900 tỷ đồng đáo hạn 6 tháng đầu năm 2023

Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) vừa có báo cáo về việc trái chủ của KBC đã thông qua việc bổ sung tài sản bảo đảm cho trái phiếu KBCH2123002 của công ty.  Theo đó, trái chủ đồng ý với việc bổ sung tài sản bảo đảm 1,1 triệu cp phổ thông của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang. 

Lô trái phiếu được bổ sung tài sản bảo đảm có giá trị theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm và đáo hạn vào ngày 3/6/2023, được bảo đảm bằng gần 71 triệu cổ phiếu phổ thông của KBC.

Đồng thời, KBC phải đảm bảo tổng giá trị của tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu KBC và tài sản bảo đảm là tiền mặt/hợp đồng tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi tối thiểu bằng 60% giá trị tài sản bảo đảm tối thiểu (ứng với 160% tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đang lưu hành).

KBC khẳng định việc bổ sung tài sản bảo đảm như trên không gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành. 

Tính đến hết quý III, KBC nắm 92,5% tỷ lệ lợi ích tại CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (SBG). Theo báo cáo thường niên 2021 của KBC, SBG có vốn điều lệ 220 tỷ đồng. Đầu tháng 11 vừa qua, SBG đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu mở rộng, tỉnh Bắc Giang, có diện tích khoảng 90 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 996 tỷ đồng. 

Về phía KBC, tính đến cuối tháng 9, doanh nghiệp có khoản dư nợ trái phiếu dài hạn đến hạn trả trong năm 2023 gần 2.900 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 796 tỷ đồng vào đầu năm. Trong đó trái phiếu dài hạn là 973 tỷ đồng, giảm 70% so với 3.233 tỷ đồng đầu năm.

Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 8, Chứng khoán VNDirect lo ngại về các khoản nợ trái phiếu 2.900 tỷ đồng đáo hạn trong 6 tháng đầu năm 2023 của KBC, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Kinh Bắc dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 150 triệu cổ phiếu trong 6 tháng cuối năm 2022 để huy động khoảng 5.000 đến 6.000 tỷ đồng nhằm tăng vốn lưu động, tái cơ cấu nợ và đầu tư vào các dự án mới. 

Trong kịch bản xấu nhất, việc phát hành không thành công, Chứng khoán VNDirect cho rằng Kinh Bắc có thể gặp thách thức trong việc phát triển các dự án mới trong ngắn hạn nhưng không có rủi ro vỡ nợ.  

Lợi nhuận từ công ty liên kết kéo lãi ròng KBC đi lên

Trong quý III/2022, KBC ghi nhận doanh thu đạt 203 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ,  lợi nhuận gộp giảm 61,6 tỷ đồng so với cùng kỳ về 97,3 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 38,8%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.936 tỷ đồng, tăng đôt biến so với mức lỗ 59,3 tỷ đồng quý III/2021. 

Lãi ròng của KBC tăng đột biến là do ghi nhận lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 1.997 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 1 tỷ đồng.  Khoản lợi nhuận là giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng phát sinh trong quý II/2022. Tuy nhiên, do giao dịch có tính chuyên môn cao, phức tạp cần nhiều thời gian nên KBC đã phối hợp với các bên (có E&Y) để khắc phục và ghi nhận vào quý III/2022 và được đơn vị kiểm toán chấp nhận.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, KBC ghi nhận doanh thu đạt 1.289 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng 191% lên 2.136,5 tỷ đồng. 

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định năm nay KBC khó hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, VDSC dự phóng tổng doanh thu cả năm của KBC ở mức 2.985 tỷ đồng và lãi sau thuế là 3.044 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 30,5% và 68% kế hoạch năm. 

 

Về tình hình tài chính, tính tới 30/9, tổng tài sản của KBC ở mức 33.375 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là hàng tồn kho khi chiếm 35,9% tổng tài sản, tương đương 11.983 tỷ đồng. Phần lớn hàng tồn kho được doanh nghiệp sử dụng để thế chấp cho các khoản vay dài hạn.

Khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát là dự án chiếm giá trị lớn nhất trong danh mục tồn kho của Kinh Bắc với gần 7.700 tỷ đồng, kế đến là Khu công nghiệp Tân Phú Trung (1.143 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (1.105 tỷ đồng),…

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.769 tỷ đồng, chiếm 32,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 4.164,5 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 1.323 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý III, KBC ghi nhận nghĩa vụ nợ 14.733 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% từ đầu năm. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 1,3%, tương đương 90,8 tỷ đồng xuống 6.965 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 18.643 tỷ đồng.