Kinh Bắc (KBC): Chủ tịch Đặng Thành Tâm mua thành công 25 triệu cổ phiếu
Cụ thể, ông Đặng Thành Tâm đã hoàn tất mua vào 25 triệu cổ phiếu từ ngày 15/11 đến ngày 13/12, theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Sau giao dịch, ông Tâm đã nâng sở hữu tại KBC từ gần 113,67 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,81% lên gần 139 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 18,06%.
Tạm tính theo mức giá đóng cửa phiên giao dịch 13/12 là 22.500 đồng/cổ phiếu, ước tính Chủ tịch HĐQT KBC đã chi khoảng 495 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Trên thị trường, cùng diễn biến tiêu cực chung của thị trường và nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu KBC đã rơi về vùng đáy của 2 năm khi đóng cửa phiên 10/11 tại mức 13.950 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, KBC đã phục hồi khá tốt và đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/12 tại mức giá 22.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn 63% trong hơn 1 tháng qua. Tuy nhiên, so với đỉnh đầu năm nay, cổ phiếu KBC vẫn thấp hơn 51%.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2022 dự kiến diễn ra ngày 28/12 tới đây, HĐQT KBC sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, với tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua là 100 triệu đơn vị, tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Cũng tại Đại hội, KBC sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 10/2/2022.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III, KBC ghi nhận doanh thu đạt 203 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.936 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức lỗ 59,3 tỷ đồng trong quý III/2021.
Lãi ròng của KBC tăng đột biến là do ghi nhận lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 1.997 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 1 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận là giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng phát sinh trong quý II/2022. Tuy nhiên, do giao dịch có tính chuyên môn cao, phức tạp cần nhiều thời gian nên KBC đã phối hợp với các bên (có E&Y) để khắc phục và ghi nhận vào quý III/2022 và được đơn vị kiểm toán chấp nhận.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, KBC ghi nhận doanh thu đạt 1.289 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng 191% lên 2.136,5 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính tới 30/9, tổng tài sản của KBC đạt 33.375 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là hàng tồn kho khi chiếm 35,9% tổng tài sản, tương đương 11.983 tỷ đồng. Phần lớn hàng tồn kho được doanh nghiệp sử dụng để thế chấp cho các khoản vay dài hạn. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.769 tỷ đồng, chiếm 32,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 4.164,5 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 1.323 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý III, KBC ghi nhận nghĩa vụ nợ 14.733 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% từ đầu năm. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 1,3%, tương đương 90,8 tỷ đồng xuống 6.965 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 18.643 tỷ đồng.
Trong diễn biến mới nhất, KBC đã bổ sung tài sản bảo đảm cho trái phiếu KBCH2123002 của Công ty bằng 1,1 triệu cổ phiếu phổ thông của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (SBG).
Tính đến hết quý III, KBC nắm 92,5% tỷ lệ lợi ích tại CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang. Theo báo cáo thường niên 2021 của KBC, SBG có vốn điều lệ 220 tỷ đồng. Đầu tháng 11 vừa qua, SBG đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng, tỉnh Bắc Giang, có diện tích khoảng 90 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 996 tỷ đồng.