Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Đà phục hồi suy yếu vì những cú sốc lớn

Lê Minh 12:44 | 27/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lạm phát có lẽ là câu chuyện “nóng” trên toàn cầu trong những tháng qua, khi xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như làn sóng dịch nghiêm trọng tại Trung Quốc tiếp tục khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt là nguồn cung năng lượng, khiến giá dầu tăng mạnh.

Lạm phát cao kỷ lục ở nhiều nước khiến các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ, dù điều này có thể buộc phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Đà phục hồi  của kinh tế toàn cầu vì thế đã mất đi động lực, thậm chí đã có không ít những cảnh báo về nguy cơ đình trệ. 

Từ xung đột tại Ukraine và làn sóng dịch ở Trung Quốc

Mới chớm phục hồi sau những tác động mạnh của đại dịch, kinh tế toàn cầu lại gặp cú sốc lớn là xung đột giữa Nga và Ukraine. Căng thẳng giữa hai nước đe dọa làm gián đoạn nguồn cung năng lượng, khiến giá dầu tăng mạnh, gây thêm áp lực lạm phát ở nhiều nước.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể gây ra những hậu quả toàn cầu, với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, từ đó đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và cung cấp tới 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu, Nga có vị trí trung tâm đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo tờ Financial Times, cuộc khủng hoảng Ukraine đe dọa nghiêm trọng đến sự lạc quan trên toàn cầu về triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một cuộc xung đột trên toàn Ukraine sẽ làm suy yếu triển vọng về con đường phục hồi kinh tế suôn sẻ khi áp lực lạm phát đang làm giảm thu nhập của các hộ gia đình.

Căng thẳng địa chính trị ở châu Âu diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch vẫn chưa được giải quyết và chi phí vận chuyển toàn cầu vẫn tăng cao.

Khi những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung gia tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu  đã tăng mạnh. Ngay sau khi bùng phát xung đột giữa hai nước hôm 24/2, giá dầu Brent đã lần đầu tiên kể từ năm 2014 vọt lên 105 USD/thùng. Tới phiên 7/3 giá dầu Brent có lúc leo lên 139,13 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ New York lên tới 130,50 USD/thùng, đều là mức cao nhất kể từ năm 2008, một phần do Mỹ và các đồng minh châu Âu cân nhắc ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Sau cú sốc khủng hoảng Ukraine, việc Thượng Hải, thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, trở thành tâm điểm của làn sóng dịch bệnh mới và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại nước này cũng tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hoạt động kinh tế tại thành phố đã bị hạn chế đáng kể từ đầu tháng Tư, khi chính quyền áp dụng các lệnh phong tỏa từng phần.

Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc, nơi có các công ty đa quốc gia và bến cảng hàng hóa bận rộn bậc nhất thế giới. Nhiều công ty đã buộc phải ngừng hoạt động một thời gian trước khi khôi phục dần, như Tesla, Volkswagen và nhà lắp ráp iPhone Pegatron. Trong khi đó, những quy định kiểm dịch được cho là nguyên nhân khiến cảng Thượng Hải bị quá tải và phải đối mặt với lượng tàu và hàng hóa ùn tắc chưa từng có, gây ra sự chậm trễ và hỗn loạn đáng kể trong hoạt động giao hàng trên toàn thế giới.

Các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và các biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn dịch COVID-19 lây lan ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến lạm phát và lãi suất tăng

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục khi đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế, sau khi tăng 8,5% trong tháng Ba và 8,3% trong tháng Tư.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chịu áp lực trong việc “hạ nhiệt” nhu cầu và giá cả, nhưng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tại cuộc họp vào ngày 15/6, Fed đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã. Với động thái chính sách mới nhất này, Fed đã nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm tính từ đầu năm đến nay và đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 1,5 - 1,75%.

Quyết định tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay của Fed được đưa ra sau khi lạm phát ở Mỹ tăng đột biến vào tháng Năm và không có dấu hiệu giảm xuống như thị trường kỳ vọng. Quan trọng hơn, Fed đã báo hiệu sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất mạnh không kém từ nay tới cuối năm - điều các nhà đầu tư đã đồn đoán từ trước nhưng vẫn lo âu khi trở thành sự thật.

Tại châu Âu, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng Năm, khi xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Theo Eurostat, lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng lên 8,1% trong tháng Năm, so với mức 7,4% trong tháng Tư. Đà tăng liên tục của giá cả đã gây sức ép lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

Trong thông báo đưa ra ngày 9/6, ECB xác nhận sẽ dừng chương trình mua trái phiếu đã áp dụng gần một thập niên qua từ ngày 1/7, đồng thời phát tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất từ tháng 7/2022 trong bối cảnh lạm phát tăng kéo dài.

Tại các nước khác, Ngân hàng trung ương Anh đã tăng lãi suất năm lần kể từ tháng 12/2021, khi dự báo lạm phát tại nước này có thể lên đến 11% trong năm nay. Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ vừa qua cũng lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ năm 2007. 

Trong khi đó, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là lựa chọn không được hoan nghênh tại các nước đang gặp nhiều khó khăn như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil (Bra-xin), Argentina (Ác-hen-ti-na) hoặc Sri Lanka (Xri Lan-ca), bởi biện pháp này sẽ khiến giá cả mọi hàng hóa leo thang và khiến các dòng vốn đầu tư chảy vào Mỹ. 

Đà phục hồi kinh tế mất động lực

Theo Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế nước này giảm 1,4% trong quý I/2022, sau khi tăng trưởng ấn tượng 6,9% trong quý IV/2021, do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron và chính phủ cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này trong gần hai năm qua.

Khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế sẽ không thể "hạ cánh mềm" khi Fed đẩy mạnh việc tăng lãi suất để kiềm chế nhu cầu tiêu dùng và hạ nhiệt lạm phát. Các số liệu mới đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy GDP trong quý I/2022 tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời cảnh báo “những thách thức lớn” phía trước trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 phức tạp đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của nước này.

Kinh tế Trung Quốc đã hạ nhiệt đáng kể trong tháng Tư, khi các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch được mở rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng Năm, nhưng các hoạt động kinh tế yếu hơn so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà phân tích dự báo GDP quý II sẽ giảm.

Việc Trung Quốc “kiên trì” với chính sách “Không COVID” đã tác động đến chuỗi cung ứng và khiến hàng triệu người phải ở nhà, đặc biệt là tại các trung tâm tài chính kinh tế Thượng Hải và Thâm Quyến.

Còn tăng trưởng kinh tế của Eurozone đã chậm lại trong quý I/2022, xuống 0,2%, so với mức 0,3% trong quý IV/2021. Giới phân tích nhận định, các nước châu Âu đang đối mặt với nguy cơ đình trệ kinh tế ngày càng tăng do tác động của cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng, giá năng lượng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, lưu ý rằng chi phí nhiên liệu tăng cao có tác động đến giao thông vận tải và sản xuất trên khắp châu Âu.

Đầu tháng Sáu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu do tác động của xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh. Tổ chức này dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, OECD tăng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988.

Trước OECD, ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới cũng đã điều chỉnh các chỉ số, theo đó hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu từ mức 4,1% xuống 2,9%. Tương tự, hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 1 điểm phần trăm xuống 3,6%.