Kỳ vọng biên lãi doanh nghiệp F&B khởi sắc trong quý III

Trang Mai 07:57 | 16/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm, ngành đường là “điểm sáng” khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Ở ngành sữa và bia, tình hình có vẻ ảm đạm hơn do suy thoái kinh tế khiến sản lượng tiêu thụ thấp hơn.

Nhìn lại bức tranh ngành F&B trong quý II

Sản lượng sụt giảm ở ngành bia

Theo báo cáo phân tích ngành F&B của Chứng khoán KIS Việt Nam, tăng trưởng tổng doanh thu và lợi nhuận của 14 công ty bia niêm yết đã giảm tốc trong quý II. Theo đó, tổng doanh thu giảm 5,8% so với cùng kỳ do sức mua yếu, việc thực thi Nghị định 100 được thắt chặt hơn và mức nền cao của quý II/2023. Tuy nhiên, so với quý I, doanh thu tăng trưởng mạnh do hiệu ứng mùa vụ (mùa hè nắng nóng nên nhu cầu sử dụng bia tăng). Lãi ròng cũng giảm mạnh gần 30% do sự cao của các chi phí. 

Lợi nhuận các doanh nghiệp bia vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chi phí. Ảnh: KIS Việt Nam

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) công bố doanh thu ảm đạm với 8.300 tỷ đồng, giảm 7,7% so với quý II/2022 do sản lượng sụt giảm và nhiều giao dịch thương mại hơn, bất chấp tác động thuận lợi của việc tăng giá. Theo công ty có thị phần lớn nhất là Heineken Việt Nam, doanh thu thuần giảm khoảng 25% trong quý II, sản lượng giảm ở mức tương tự. Theo quan điểm của KIS, doanh thu của ngành giảm là do sản lượng tiêu thụ thấp hơn do suy thoái kinh tế.

Tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN), doanh thu thuần quý II đạt 2.078 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 188 tỷ đồng. Cả doanh thu và lợi nhuận cùng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với quý I lợi nhuận âm, con số này đã có phần cải thiện đáng kể. 

Ngành sữa khởi sắc nhẹ nhờ tiết giảm chi phí

Theo báo cáo, doanh thu 3 công ty sữa niêm yết đi ngang so với cùng kỳ trong quý II, chỉ tăng nhẹ 1,4%. Tuy nhiên, lợi nhuận đã quay đầu tăng từ mức -16,5% trong quý I lên mức 1,4% trong quý II nhờ giá cả đầu vào giảm và tiết kiệm chi phí.

 Lợi nhuận các doanh nghiệp sữa đang có sự phục hồi đáng kể. Ảnh: Trang Mai tổng hợp

Là 2/3 doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) ghi nhận 15.200 tỷ đồng doanh thu, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ các ngành hàng chính như sữa đặc, sữa tươi, sữa thực vật và sữa chua ăn.Lợi nhuận sau thuế đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2022. 

CTCP Sữa Hà Nội (mã: HNM) cũng ghi nhận tăng trưởng 7,6% doanh thu, lên 169 tỷ. Nhờ chi phí tài chính giảm 60% xuống còn 1,9 tỷ đồng trong khi các chi phí khác tăng không đáng kể nên kết thúc quý II, đơn vị này báo lãi ròng 14,8 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong khi đó, CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (mã: MCM) lại "ngược dòng" khi ghi nhận doanh thu đi lùi 5,8%. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 11,7% và chi phí bán hàng giảm 8% đã giúp lãi ròng tăng nhẹ 3%, lên gần 93 tỷ đồng. 

Theo AC Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường thế giới) ước tính, mức tăng trưởng giá trị của ngành sữa tại Việt Nam chỉ ở mức 2% trong 5 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên chỉ đạt 1% trong riêng quý II/2023, tăng trưởng chủ yếu do giá bán bình quân (ASP) tăng.

Ngành đường là điểm sáng trong bức tranh F&B quý II 

Giá đường trong nước trung bình đạt 19.200 đồng/kg trong quý II, tăng 9,7% do giá đường thế giới tăng và chính thức áp dụng gần 48% mức thuế chống lãng tránh thuế với đường nhập khẩu từ một số nước Châu Á kể từ quý III/2022. Bên cạnh đà tăng phi mã của giá đường thế giới, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại cũng đã hạn chế lượng lớn đường nhập về, cung - cầu cân bằng hơn, giá đường trong nước được kỳ vọng duy trì ở mức cao.

Tình hình thế giới đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có một mùa vụ tương đối "ngọt ngào", nhiều đơn vị báo lãi bằng nhiều niên vụ trước cộng lại. Theo thống kê của phóng viên, tổng doanh thu của 4 công ty đường niêm yết trên 3 sàn đạt 11.223 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ. Lãi ròng ghi nhận 1.019 tỷ, tăng mạnh 64% so với cùng kỳ năm trước. 

Kết quả kinh doanh 4 công ty sản xuất đường. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Trong quý II, công ty mía đường niêm yết lớn nhất là CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà (mã: SBT) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 24%, lên 6.800 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng bán đường vẫn giữ vai trò chủ đạo với 6.364 tỷ. Đây cũng là mảng làm nên “ông lớn” này với 46% thị phần đường Việt Nam. 

Tuy nhiên, khoản lãi vay lớn đã “ghì” lợi nhuận, khiến đơn vị ghi nhận lãi sau thuế giảm 66% xuống 77 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý II/2019.

Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) cũng cho thấy mức tăng trưởng doanh thu 43% nhờ mảng đường có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 164%, đạt 2.200 tỷ đồng. Tổng mức tiêu thụ đường của QNS tăng mạnh lên 120.000 tấn. Lợi nhuận sau thuế đạt 712 tỷ đồng, tăng trưởng trên 95% so với quý II/2022. 

Cùng với bối cảnh thuận lợi, Mía đường Sơn La (mã: SLS) cũng cho thấy kết quả kinh doanh đầy tươi sáng với mức lãi trăm tỷ được kéo dài quý thứ 3 liên tiếp. SLS ghi nhận doanh thu thuần quý II tăng 152%, đạt mức 550 tỷ đồng. Thêm vào đó, doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính được tiết giảm 1/3 lần là những nhân tố giúp đơn vị này thu lãi ròng gần 225 tỷ đồng, tăng 263% so với cùng kỳ. 

Biên lãi gộp ngành F&B kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong quý III

Chứng khoán KIS cho rằng, thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ kinh tế đang được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 đợt cắt giảm lãi suất, chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực F&B, tăng mức lương cơ bản. Do đó, đơn vị này kỳ vọng mức tiêu thụ sản phẩm F&B có thể cải thiện nhẹ trong quý III do giá nguyên liệu hạ nhiệt.

Dù vậy, mỗi mặt hàng sẽ còn phải đối diện với những thách thức khác nhau. Theo báo cáo của CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), Nghị định 100/CP xử phạt đối với người uống rượu bia sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận, dự kiến một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia điển hình như bột trợ lọc sẽ tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022. 

Ngoài ra, KISVN dự báo thói quen chi tiêu của người Việt đang có xu hướng giảm, bên cạnh đó sẽ tăng chi tiêu cho những khoản về sản phẩm tốt cho sức khỏe sau Covid 19. Đồng thời tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt cũng sẽ là thách thức lớn với các hãng bia nội địa.

Với ngành sữa, bên cạnh việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội, sữa ngoại tràn về cũng là một thách thức lớn trong bài toán tồn tại. Ngoài ra, các đơn vị F&B nói chung và ngành sữa nói riêng còn chịu khoản chi phí khá lớn cho quảng cáo, marketing để giữ được thị phần, và điều này tác động khá lớn đến lợi nhuận.

Đối với ngành mía đường, trong một báo cáo hồi tháng 6, chứng khoán SSI Research dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Giá đường tinh luyện dự báo sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg.

Ngoài ra, đơn vị này cũng kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp, chống bán phá, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được Bộ Công Thương áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.