Kỳ vọng mảng sợi dẫn dắt sự phục hồi của ngành dệt may từ cuối năm nay

Thùy Dương 16:58 | 15/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành dệt may của Việt Nam đã bước vào giai đoạn khó khăn từ cuối năm ngoái do xuất khẩu giảm mạnh dẫn đến sức cạnh tranh yếu trên trường quốc tế. Các chuyên gia nhận định mảng sợi và trang phục casual sẽ dẫn dắt sự phục hồi toàn ngành về cuối năm nay sang đầu 2024.

Theo số liệu từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu quý IV/2022 và 5 tháng đầu năm nay lần lượt giảm 14% và 19% so với cùng kỳ. Các thương hiệu và nhà bán lẻ toàn cầu đã giảm mạnh hàng tồn kho trong giai đoạn này do nhu cầu của người tiêu dùng cuối giảm.

Báo cáo công bố ngày 14/6 từ CTCK Vietcap (VCSC) chỉ ra trong bối cảnh khó khăn, nhiều nhà phân phối đã đặt các đơn hàng nhỏ hơn với thời gian thực hiện ngắn hơn và đơn giá thấp hơn. Do đó, họ ưu tiên các cơ sở tìm nguồn cung ứng gần hơn (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc có chi phí sản xuất thấp hơn (Bangladesh). Ngoài ra, Trung Quốc đã mở cửa lại nền kinh tế vào quý I, cùng với tỷ giá của đồng VND tăng so với các đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia) đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Triển vọng phục hồi từ nửa cuối 2023

Nhóm phân tích VCSC chung nhận định mảng sợi và trang phục phổ thông (casual) sẽ dẫn dắt sự phục hồi ngành dệt may trong những tháng cuối năm nay. Cụ thể, xuất khẩu sợi và xơ của Việt Nam nói chung và sản lượng bán của CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) nói riêng đều là 2 chỉ số đã chạm đáy vào đầu năm nay và có tín hiệu phục hồi từ tháng 4 - tháng 5/2023.

Vốn là nguyên liệu đầu nguồn, sợi có doanh số thường biến động mạnh hơn và diễn ra trước các sản phẩm hạ nguồn.  

Theo STK, sản lượng bán của tháng 4 và tháng 5 đều vượt 20% so với tháng 3 và lợi nhuận của công ty phục hồi đạt khoảng 20 tỷ đồng trong giai đoạn này so với mức gần như không có lãi ở quý I.

Nguồn: VCSC

Nguồn: VCSC

Trong phân tích trước đó (ngày 9/6), CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng đơn hàng của STK sẽ tốt lên từ quý này và tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ nhà máy Củ Chi đã đi vào hoạt động lại, với công suất hoạt động duy trì từ 65 - 70%.

Ban lãnh đạo STK thông tin thêm, dự kiến sản phẩm sợi của công ty trong quý tới sẽ không có sự điều chỉnh đáng kể về hạt nhựa đầu vào cũng như giá bán đầu ra.

 

Ở diễn biến khác, mảng xuất khẩu hàng may mặc vẫn còn yếu trong 2 tháng qua. VCSC cho biết, các nhà sản xuất hàng may mặc niêm yết kỳ vọng lượng đơn hàng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Báo cáo cho thấy, đối với nhu cầu của người tiêu dùng, trang phục casual đang vượt trội so với trang phục thể thao, xu hướng này trái ngược với diễn biến trong đại dịch.

Về doanh nghiệp, hầu hết các nhà sản xuất dệt may niêm yết đều nhìn nhận năm 2023 kém tích cực nhưng kỳ vọng sự cải thiện trong nửa cuối năm. Cụ thể, các công ty kỳ vọng lượng đơn hàng sẽ dần phục hồi bắt đầu từ quý III - IV/2023.

Trong số các công ty niêm yết lớn toàn ngành, chỉ có Sợi Thế Kỷ, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) và CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) công bố kế hoạch doanh thu đi ngang trong năm 2023, trong khi đa phần tỏ ra thận trọng với mục tiêu kinh doanh giảm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, TCM và STK sau đó đã thông báo sẽ khó đạt được mục tiêu đã đề ra vì triển vọng thị trường trở nên yếu hơn dự kiến. Riêng TNG tiếp tục lạc quan khi doanh số của công ty tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2023 và lượng đơn hàng của công ty vẫn ổn định so với ngành. Theo ban lãnh đạo TNG, nguyên nhân do một số khách hàng chủ chốt như Decathlon quyết định hợp nhất đơn hàng từ các nhà sản xuất nhỏ hơn cho TNG trong tình hình khó khăn hiện nay. Một số nhà sản xuất nhận thấy lượng đơn hàng có thời gian giao hàng dài đã quay trở lại (so với các đơn đặt hàng nhỏ với thời gian giao hàng ngắn từ đầu năm đến nay) báo hiệu các sáng kiến tái nhập hàng từ khách hàng.

Nhìn xa hơn, VCSC lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn của xuất khẩu dệt may, với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm giai đoạn 2021-2025 dự báo từ 7,5-8%, qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2025 lên 50-52 tỷ USD.

Kế hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Nguồn: VCSC

Nhóm phân tích đánh giá triển vọng Việt Nam sẽ mở rộng thượng nguồn khi các nước có lao động chi phí thấp hơn tăng tốc trong ngành may mặc. Các chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục giành được thị phần xuất khẩu hàng may mặc. Điều này dựa trên chi phí tìm cung ứng thấp của Việt Nam, vị trí gần Trung Quốc và sự đa dạng hóa nguồn cung ứng khỏi quốc gia này.

Các nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn trên thế giới và thị phần (%). Nguồn: VCSC

Về chi phí cung ứng, theo khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ, Việt Nam chỉ đứng sau Bangladesh trong số các nước xuất khẩu lớn. Khảo sát này phản ánh tổng chi phí cung ứng của các thương hiệu và nhà bán lẻ, bao gồm cả chi phí lao động, vận chuyển và thuế quan. VCSC cho rằng điều này thể hiện bức tranh toàn cảnh tốt hơn so với so sánh chi phí lao động thuần túy.

Theo các hiệp hội ngành, mức lương trung bình hàng tháng của 1 công nhân may mặc lần lượt là 100 USD và 300 USD ở Bangladesh và Việt Nam. Ngoài ra, dữ liệu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho thấy tổng chi phí vào năm 2022 của 1 công nhân sản xuất ở Bangladesh chỉ bằng một nửa của Việt Nam, tương ứng một nửa của Trung Quốc.