Lãi suất thời gian tới liệu có tăng?
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thông qua việc liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm. Với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng, vẫn còn một số ngân hàng duy trì lãi suất cho vay ở mức cao do những khoản nợ cũ, hoặc lãi suất cho vay cần độ trễ sau khi giảm lãi suất huy động.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: tuy lãi suất đang ở mức rất hấp dẫn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó vay vì đang vướng về mặt pháp lý, quy hoạch, thiếu chứng nhận đầu tư nên chưa đáp ứng đủ chuẩn tín dụng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: dù lãi suất và thủ tục vay vốn tại các ngân hàng đang rất ưu đãi nhưng việc thiếu đơn hàng, sức cầu thấp sẽ là rào cản khiến doanh nghiệp ngại vay vốn. Nút thắt cần giải quyết ở đây là vấn đề đầu ra, kích thích được tăng trưởng tiêu dùng trong nước thì mới đẩy mạnh được hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu vốn vì thế cũng sẽ tăng theo, tín dụng mới có thể đẩy mạnh.
Để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân. Việc tổ chức tín dụng không công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân trước mắt chưa có chế tài nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa vào tiêu chí đánh giá và sẽ có biện pháp để xử lý. Nếu không công khai lãi suất cho vay bình quân ở mức phù hợp sẽ khó thu hút được khách hàng vay vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng từng nhấn mạnh: Năm 2024 không đặt vấn đề lãi suất tăng. Ít nhất trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú quan điểm điều hành xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là duy trì chính sách tiền tệ ổn định nhưng không cố định mà điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và thế giới.
Để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng…
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so với đầu năm 2023 và giảm 0,13%/năm so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-9,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn).
Agribank cũng cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan...
Theo báo cáo của VNDirect Research dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý II/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về mức 4,0% và lãi suất chiết khấu về mức 2,5%. Do đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân dự kiến sẽ duy trì ở vùng thấp 4,5 - 5,0%/năm trong năm 2024.
Tuy nhiên, trong tháng 2, đã có một số ngân hàng thương mại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn và dài trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác tiếp tục giảm lãi suất đầu vào và tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% trong tháng đầu năm.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa tăng lãi suất từ 0,2-0,4 điểm % ở một số kỳ hạn; Techcombank, ACB... cũng điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn từ 0,1-0,2 điểm %. Theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Nhìn chung mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.