Lãi suất trái phiếu rủi ro cao trên thị trường thứ cấp vượt 20%, cá biệt có lô gần 42%

Diên Vỹ 11:18 | 25/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại ngày 10/6/2024, FiinRatings ghi nhận một số lô trái phiếu giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20% với kỳ hạn dưới 6 tháng của Năng lượng tái tạo Trung Nam (26,86%), Đầu tư Địa ốc Mai Viên (27,26%), BKAV Pro (41,79%) và Licogi 13 (27,6%).

Trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp  (TPDN) mới cập nhật, FiinRatings nhận định rằng  với sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024.

Tuy vậy, nhóm phân tích ước tính trên thị trường sơ cấp, giá trị trái phiếu đáo hạn của nhóm ngành bất động sản (BĐS) lên tới 37 nghìn tỷ trong quý III. Còn trên thị trường thứ cấp, mức độ rủi ro đang dần phản ánh vào định giá lãi suất giao dịch trái phiếu khi các nhóm có rủi ro cao có xu hướng chịu mức lãi suất cao hơn. 

Thị trường sơ cấp: Áp lực đáo hạn nhóm BĐS đạt đỉnh trong quý III 

Thống kê của FiinRatings cho thấy thị trường TPDN riêng lẻ trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng cả về số đợt và giá trị phát hành. 

 Ảnh: FiinRatings

Ghi nhận đến ngày 6/6, thị trường đã đón nhận 26 đợt phát hành mới trong tháng 5 với tổng giá trị đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với tháng trước và tương đương 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16,5 nghìn tỷ đồng (+76,8% so với tháng trước), trong đó BIDV và TCB sở hữu lượng phát hành lớn nhất là 5,3 nghìn tỷ đồng và 3 nghìn tỷ đồng. 

Theo FiinRatings, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng đang tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của NHNN. 

Mặt khác, nhóm ngành BĐS ghi nhận tổng giá trị phát hành là 6,2 nghìn tỷ đồng (-30,3% so với tháng trước). Các nhóm ngành khác cũng chứng kiến xu hướng phát hành thấp hơn so với đỉnh điểm tháng 3/2024.

Về kỳ hạn, trái phiếu mới phát hành chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 2-3 năm và 7-8 năm. Trong đó, trái phiếu của các tổ chức tín dụng có kỳ hạn bình quân là 5 năm và lãi suất bình quân là 5,4%, cụ thể ngân hàng quốc doanh là BIDV phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, trong khi đó các tổ chức tín dụng tư nhân phát hành chủ yếu phát hành kỳ hạn 3 năm. 

Nhóm BĐS chủ yếu ghi nhận loạt trái phiếu thuộc Vingroup với kỳ hạn bình quân 2 năm và và lãi suất phát hành 12-12,5%, mục đích để cơ cấu nợ.

Trong tháng 5, các doanh nghiệp đã mua lại 13,6 nghìn tỷ đồng TPDN (+6,2% so với tháng trước). Nhóm ngân hàng tiếp tục là đối tượng chủ yếu thực hiện mua lại, chiếm tới 86% giá trị trong tháng. Phần lớn các trái phiếu mua lại có kỳ hạn 3 năm và sẽ đáo hạn trong năm tới, cho thấy các ngân hàng thực hiện điều khoản mua lại trước hạn và phát hành mới để đáp ứng tỷ lệ liên quan đến vốn trung dài hạn. 

   Ảnh: FiinRatings 

Đáng chú ý, thống kê của FiinRatings cho thấy giá trị trái phiếu đáo hạn sẽ đạt 57,9 nghìn tỷ trong quý III và 77,4 nghìn tỷ trong quý IV/2024. Trong đó, áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm ngành BĐS trong quý III với trị giá 37 nghìn tỷ đồng và chiếm 64% tổng TPDN đáo hạn. 

 Áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm ngành BĐS trong quý III với trị giá 37 nghìn tỷ đồng.   Ảnh: FiinRatings 

Cũng theo FiinRatings, một số lượng lớn các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có động thái xin giãn hoãn thanh toán nợ gốc và sửa đổi kế hoạch mua lại, khiến áp lực thanh toán trước mắt được giải tỏa. 

Ước tính từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận thêm khoảng 20 nghìn tỷ đồng TPDN chậm trả, bao gồm 72% giá trị trái phiếu được giãn hoãn thời gian đáo hạn từ 1-2 năm. Phương án trên tiếp tục giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để tập trung xử lý khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền trả nợ, đặc biệt với nhóm BĐS khi khả năng trả nợ còn thấp giữa bối cảnh thị trường nhà ở phục hồi chậm.

Thị trường thứ cấp: Mức độ rủi ro dần được phản ánh vào định giá lãi suất giao dịch 

Trên thị trường thứ cấp, trong tháng 5, tổng giá trị giao dịch trái phiếu (cả phát hành ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ) đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng, tăng 43,7% so với tháng trước. Khối lượng giao dịch qua hình thức khớp lệnh (với toàn bộ là trái phiếu phát hành ra công chúng) giảm 12,8% so với tháng 4 và chiếm tỷ trọng thấp trên tổng thanh khoản thị trường với chỉ 0,23%. Thanh khoản trung bình ngày trong tháng 5 đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, gấp 1,24 lần tháng trước đó

   Ảnh: FiinRatings 

Nhóm ngành Ngân hàng và BĐS vẫn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch của tháng, với tỷ trọng lần lượt đạt 51,3% và 23,4%. 

Trong đó, lượng trái phiếu ngân hàng được giao dịch tăng đột biến, hơn 80% so với tháng trước, duy trì vị thế hấp dẫn so với các ngành còn lại. 

Trái phiếu BĐS có khối lượng giao dịch tăng tới 18% trong bối cảnh dự báo cho thấy thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ mới với nhiều dự án được khởi động ở khu vực phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An và khu vực miền Bắc ở các tỉnh và khu vực quanh Hà Nội. 

Tín hiệu phục hồi của thị trường BĐS cũng là tiền đề thúc đẩy cho các ngành nghề liên quan của nền kinh tế. Theo quan sát của FiinRatings, giao dịch trái phiếu Xây dựng và Vật liệu tăng 23,4%, Du lịch và Giải trí tăng 88,6% trong tháng qua.

Về lợi suất trái phiếu, ở nhóm Ngân hàng, tỷ suất lợi tức đáo hạn (YTM) chủ yếu dao động trong khoảng 5-9% tùy theo kỳ hạn còn lại; không có chênh lệch nhiều về lợi suất YTM trong nhóm này.

   Ảnh: FiinRatings 

Ở nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng, YTM chủ yếu dao động từ 7-13%, phần lớn tập trung ở các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu và lịch sử hoạt động đã được chứng minh như Vinhomes (VHM), Nam Long (NLG), Khang Điền (KDH) hay Becamex (BCM). Đây đồng thời cũng là nhóm trái phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường. 

   Ảnh: FiinRatings 

Tuy nhiên, tại ngày 10/6/2024, FiinRatings ghi nhận một số lô trái phiếu giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20% với kỳ hạn dưới 6 tháng của Năng lượng tái tạo Trung Nam (26,86%), Đầu tư Địa ốc Mai Viên (27,26%), BKAV Pro (41,79%) và Licogi 13 (27,6%). Dù vậy tổng giá trị giao dịch của các lô này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng giá trị lưu hành (dưới 0,3%). 

Theo nhóm phân tích, thị trường thứ cấp đang dần góp phần phản ánh mức độ rủi ro vào định giá lãi suất giao dịch trái phiếu khi các nhóm có rủi ro cao có xu hướng chịu mức lãi suất cao hơn.