Ngành mía đường niên vụ 2021-2022: Đã thấy ‘ánh sáng nơi cuối đường hầm’

Lạc Lạc 07:00 | 22/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với việc chủ động áp thuế chống bán phá giá đường mía nhập khẩu cũng như sự tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng, ngành mía đường kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực trong năm nay. Thế nhưng, theo đại diện của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, doanh nghiệp trong ngành vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là kinh doanh trong môi trường thiếu lành mạnh, công bằng.

Quyết định 1578 của Bộ Công Thương tháng 6/2021 đã áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan; tuy nhiên sau thời điểm này, ngành mía đường trong nước vẫn hết sức khó khăn do lượng đường nhập khẩu không giảm mà còn có xu hướng tăng, đặc biệt từ các nước ASEAN không có năng lực sản xuất đường mía.

Sau quá trình điều tra, tháng 8/2022, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 1514 về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN (Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar).

Theo đó, việc nhập khẩu đường từ 5 nước này có sử dụng nguyên liệu từ đường mía của Thái Lan sẽ bị áp thuế 47,64%. Lập tức, lượng đường nhập từ 5 nước này giảm chỉ còn khoảng 65.000 tấn.

 

Đáng chú ý, phòng vệ thương mại cũng giúp giá đường trong nước tiệm cận các nước trong khu vực, tăng 8 - 10% so với cuối năm 2021. Sự giảm bớt nguồn cung từ các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía có thể tiêu thụ được và cũng cải thiện được giá bán.

 

Trong diễn biến mới nhất, vào ngày 23/9/2022, Bộ Trưởng Bộ Công thương đã phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022 với tổng lượng 113.000 tấn. Đây được coi là động thái mới nhất của các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ ngành mía đường giải quyết tình hình thiếu hụt đường nội địa trong ngắn hạn. Tuy vậy, con số này vẫn được coi là khá “khiêm tốn”, khi vụ ép 2021-2022 mới chỉ đáp ứng được khoảng ⅓ nhu cầu tiêu dùng trong nước. 

Mức hạn ngạch này trong ngắn hạn sẽ giúp bổ sung nguyên liệu, phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, từ đó giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đội giá cao, bên cạnh đó là nhu cầu đường cho sản xuất thực phẩm các dịp lễ Trung thu, Tết Nguyên đán lại gia tăng đột biến. Tuy vậy, trong dài hạn, trước tình hình thiếu trầm trọng nguồn cung và nhu cầu sản xuất dự kiến tăng mạnh dịp cuối năm, thì lượng hạn ngạch năm 2022 chỉ đáp ứng nửa tháng tiêu thụ toàn quốc. 

Ngành mía đường 2022: Nhìn thấy 'tia sáng cuối đường hầm"

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính đến ngày 30/9/2022, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 747.000 tấn đường, trong khi đó sản lượng tiêu thụ trong nước ước tính là gần 2 triệu tấn/năm. Như vậy, đường mía mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu trong nước. 

Suốt thời gian dài chịu sức ép của thị trường và biến động của giá cả đã khiến rất nhiều nông dân “chán mía”, chuyển đổi sang cây trồng khác, do đó trên thực tế, giá niên vụ 2021-2022 có tăng nhưng sản lượng cũng chỉ tăng 11,64% so với vụ 2020-2021. 

 

Trong khi đó, giai đoạn quý III, IV/2022 là thời điểm nhu cầu đường sản xuất tăng cho sản xuất bánh kẹo dịp Trung thu và chuẩn bị hàng hoá cho Tết Nguyên đán. Trong khi vụ ép mía của các nhà máy thường bắt đầu từ tháng 12/2022 đã gây ra tình trạng thiếu hụt hàng tồn kho trước khi vào vụ ép.

Đáng chú ý, áp lực lớn nhất với ngành mía đường hiện nay là tình trạng gian lận thương mại. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Các chính sách mình làm nghiêm túc nên có độ trễ, tuy vậy đã phần nào mang lại sự công bằng và giúp đỡ hoạt động của ngành, nó gọi là “tia sáng ở cuối đường hầm”. 

 Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Nguồn: ITN

Ông Lộc đánh giá trong khối ASEAN, năng lực cạnh tranh trong ngành của Việt Nam ở mức khá, nhưng hiện tượng gian lận thương mại đã bóp méo môi trường kinh doanh, gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp trong ngành.

"Vừa qua có 2 hiện tượng chủ yếu là đường nhập lậulẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đường nhập lậu hoành hành ở Việt Nam rất mạnh. Các doanh nghiệp trong quá trình chống đường lậu phải nhờ rất nhiều vào sự can thiệp của Nhà nước, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, thể hiện trong việc lượng đường lậu bắt được rất nhỏ so với lượng đường ước tính vào thị trường. 

Về hiện tượng lẩn tránh hàng rào phòng vệ thương mại, tôi cho rằng các vụ việc vẫn tiếp tục và để giải quyết thì sẽ có độ trễ chứ không làm ngay được (vì phải dựa trên chứng cứ). Thế nên hiện nay sự hỗ trợ của các biện pháp đặc biệt cũng có tác dụng, tuy nhiên chưa phát huy được hiệu quả tối đa”, ông Lộc nhấn mạnh,

Quãng đường gian nan để mía đường nội địa lấy lại vị thế

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, vấn đề an ninh lương thực và hiện đại hóa nông nghiệp lại càng cần được ưu tiên. Xu hướng tích trữ lương thực và hàng hóa, đặc biệt mặt hàng thiết yếu như đường vẫn là mặt hàng được quan tâm.

Trong báo cáo cuối tháng 11 về ngành nông nghiệp, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định, 2023 sẽ là một năm thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất đường nhờ diện tích trồng mía dự kiến sẽ mở rộng.

Cụ thể, trước kia, diện tích trồng mía giảm liên tục từ niên vụ 2017-18 do giá mía xuống thấp khiến nông dân chuyển đổi đất sang trồng các giống cây khác. Do tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong nước những năm gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện.  Tuy nhiên, VNDirect cho rằng giá đường nội địa tăng mạnh thời gian gần đây cùng với các biện pháp bảo hộ từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ 2022-2023.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích mía dự kiến đạt 151.305 ha, tăng 3% so với cùng kỳ, sản lượng mía chế biến đạt 8.764.277 tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường đạt 870.930 tấn, tăng 16,6%.

Giá đường nội địa cũng được dự báo tiếp tục tăng trong 2023. Các chuyên gia ước tính giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15%, do đó mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước. Theo VNDirect, trong quý III/2022, giá đường nội địa tăng khoảng 10-14% so với đầu tháng 7 (trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN), tương đương với giá đường trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. 

VNDirect kỳ vọng CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã: SBT) và QNS có thể tận dụng việc giá đường tăng để cải thiện biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất đường do đây là các doanh nghiệp có diện tích vùng mía nguyên liệu lớn nhất và có vị thế thuận lợi để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng. 

Ở góc nhìn thận trọng, đại diện Hiệp hội mía đường cho rằng năm 2023 sẽ tiếp tục là năm khó khăn với toàn ngành. “Mía đường vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiện nay, chuỗi đầu ra của ngành mía đường (mặc dù sản lượng đã thấp) vẫn bị tắc bởi các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu (cả đường đậu và đường lẩn tránh phòng vệ thương mại) vẫn đang “bá chủ” trên thị trường. Đầu ra bị bịt lại có nguy cơ sẽ làm chết chuỗi liên kết".

Trong bối cảnh nhiều thách thức, một giải pháp mà ông Lộc đưa ra là doanh nghiệp và nông dân cần liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. “Về bản chất, các doanh nghiệp trong thành mía đường vẫn đang vô cùng chật vật để sinh tồn. Một mặt là áp lực từ nhà máy, một mặt vẫn phải đưa ra giá nguyên liệu cao, đủ cho người nông dân bù được chi phí sản xuất, trong khi đó giá đầu vào của các vật tư sản xuất nông nghiệp hiện nay tăng rất mạnh, đặc biệt là phân bón. Đáng nói, giá đầu ra đường của mình đang thấp nhất ở trong khu vực, do đó, các doanh nghiệp đều đang vô cùng khó khăn.  Trong khi đó, trên thế giới, các nước đều có trợ cấp cho mặt hàng mía đường. Điển hình như Trung Quốc vẫn có trợ cấp “khủng” bằng loạt biện pháp. 

Hiện nay, về mặt năng lực kỹ thuật, năng suất nông nghiệp, hiệu suất thu hồi của Việt Nam đều không thua đối thủ nào cả, nhưng trong một môi trường không minh bạch và công bằng là rất khó để kinh doanh".

"Về mặt Hiệp hội, một phần chúng tôi gửi văn bản lên các cơ quan chức năng, bên cạnh đó động viên tất cả các doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh khó khăn này, khó nhất là tìm ra được chuỗi liên kết giữa nhà máy và nông dân. Nếu sản phẩm không bán được vẫn cố gắng giữ được giá mía (hiện giá mía nguyên liệu đã cao nhất trong mấy năm gần đây, cao bằng, thậm chí hơn trong khu vực). Tất nhiên điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp phải gánh vác áp lực nặng nề hơn", Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông tin.